|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làm thế nào để gọi vốn cộng đồng hiệu quả?

11:45 | 11/12/2020
Chia sẻ
Gọi vốn cộng đồng là một trong những phương thức giúp cho các startup ra mắt và quảng bá sản phẩm đến với cộng đồng. Tuy nhiên, cần có những điều kiện nhất định để phương thức này được triển khai hiệu quả nhất.

Gọi vốn cộng đồng là việc tập hợp các khoản vốn nhỏ từ số lượng lớn các cá nhân đơn lẻ để tài trợ cho một doanh nghiệp mới. Với hình thức gọi vốn này, các startup có thể kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư phục vụ cho việc ra mắt sản phẩm và đưa sản phẩm đến với cộng đồng và những khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, cách gọi vốn cộng đồng không phải là việc dễ dàng.

Bí quyết gọi vốn cộng đồng hiệu quả

Chia sẻ về bí quyết gọi vốn cộng đồng tại buổi giao lưu trực tuyến về Giải thưởng Doanh nhân Cộng đồng (Blue Venture Award - BVA), bà Trịnh Thái Hạ, Quán quân BVA Việt Nam mùa 1, đã chỉ ra một số điều kiện để thực hiện phương thức gọi vốn này hiệu quả từ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình.

Làm thế nào để gọi vốn cộng đồng hiệu quả? - Ảnh 1.

Bà Trịnh Thái Hạ, Quán quân BVA Việt Nam mùa 1. (Ảnh: ELLE Man).

Bà Hạ cho biết phương thức này hiệu quả khi áp dụng đối với các doanh nghiệp có một sản phẩm hữu hình, trong giai đoạn gần kết thúc dự án R&D và cần một nguồn vốn nhất định để sản xuất đại trà mà không cần phải gọi vốn từ các nhà đầu tư và các quĩ khác.

Phương thức gọi vốn cộng đồng phù hợp khi sản phẩm của doanh nghiệp có tệp khách hàng rất lớn, đa số khách hàng có thể tiếp cận đến, nếu đó là tệp khách hàng có tính toàn cầu thì đó sẽ tốt hơn cả, điều này có thể giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu cao hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư Marketing ngay từ đầu, trích lập khoảng 10% tiền dùng cho Marketing trên tổng số vốn muốn gọi để đầu tư vào các tài liệu, quảng cáo trong giai đoạn gọi vốn.

"Những ngày đầu tiên khi chạy chiến dịch Marketing trên các kênh, các doanh nghiệp phải tăng tốc quảng cáo, PR và tăng lượng truy cập vào các trang gọi vốn của mình nhiều nhất có thể", bà Hạ chia sẻ.

Đối với một doanh nghiệp còn non trẻ, việc tạo một câu chuyện về sản phẩm mà chỉ đúc kết trong một video dài 2 phút, có thể thuyết phục các nhà đầu tư về chất lượng sản phẩm trong khi chưa có thương hiệu, kinh nghiệm là điều không hề đơn giản.

Theo bà Thái Vân Linh, Nhà đầu tư và Cố vấn chương trình BVA, các nhà sáng lập thường tập trung vào sản phẩm, không có kinh nghiệm về marketing nên họ rất dễ gặp khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần phải tương tác với khách hàng hàng ngày, ngoài việc chạy Marketing.

Làm thế nào để gọi vốn cộng đồng hiệu quả? - Ảnh 2.

Bà Thái Vân Linh, Nhà đầu tư và Cố vấn chương trình BVA mùa 3. (Ảnh: FB Shark Thái Vân Linh).

Một vấn đề các startup còn băn khoăn đó là thị trường có sẵn sàng đón nhận việc họ tham gia gọi vốn cộng đồng hay không. Với kinh nghiệm trên sàn gọi vốn cộng đồng của mình, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch hội đồng cố vấn của Saigon Innovation Hub (SIHUB), khẳng định rằng thị trường hoàn toàn sẵn sàng đón nhận điều này, tuy nhiên cần phải xem xét một số điểm đáng lưu ý.

"Trước khi tham gia gọi vốn tại sàn, các startup cần tìm hiểu kĩ sàn đó có thực sự uy tín hay không. Sau khi đã quyết định lên sàn, doanh nghiệp phải đưa ra các thông tin có đủ tính minh bạch, hấp dẫn; những người đứng sau startup đã gặt hái được thành công gì trong quá khứ; và phải tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư về sản phẩm sau khi tiếp cận marketing chỉ trong vòng vài phút", bà Phi Vân chia sẻ.

Những mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai

Cũng trong khuôn khổ chương trình, ông Lê Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CEN Group, đã chỉ ra 7 xu hướng mới nổi trên thế giới hiện nay. Đó là xu hướng phát triển bền vững thay vì tập trung vào các yếu tố về chỉ tiêu tài chính, chú ý những khả năng mang lại giá trị cho cộng đồng.

7 xu hướng mà ông đưa ra bao gồm: Các dự án liên quan tới nền tảng tiền số, đặc biệt là thanh toán không chạm; các sản phẩm định vị cá nhân bằng công nghệ (personal tracking through technolody); "liquid people" (những thay đổi về hành động xuất phát từ nhận thức của con người); sử dụng AI cho các ứng dụng thiết thực hơn; thiết lập bản sao số; Cuối cùng là những hành vi và thói quen thay đổi theo nhu cầu và mong muốn.

Theo ông Hưng, những mô hình startup bền vững trên thế giới và tại Việt Nam cần thực sự phải gắn với những sự thay đổi trong thời đại mới, xuất phát từ những thay đổi về cách thức thỏa mãn nhu cầu của khách hàng như ăn, mặc, ở, đi lại hoặc cao hơn là sự an toàn, y tế, sự thỏa mãn về tinh thần, sự tôn vinh.

Những thay đổi trên thế giới hiện nay bao gồm sự bùng nổ về kỉ nguyên kĩ thuật số (Exabyte Economy) gắn với các dịch vụ kết nối nâng cao, dữ liệu, con người; kinh tế về sức khỏe; kinh tế không sử dụng chất thải và hóa thạch; kinh tế tuần hoàn; đa dạng sinh học; và nền kinh tế trải nghiệm (từ sở hữu đến sử dụng).

Tường Vy