|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Làm thế nào để có thể tiết kiệm nhiều hơn mỗi tháng

07:01 | 30/09/2021
Chia sẻ
Hầu như trong chúng ta, ai cũng muốn tiết kiệm được nhiều tiền hơn và để làm được như vậy, lập ngân sách là một ý tưởng không tồi nhưng rất khó tuân thủ.

Business Insider mới đây đã chia sẻ ý kiến của một độc giả là cô Jen Glantz về cách cô học hỏi và tiết kiệm tiền nhiều hơn (trong trường hợp này là mỗi tháng cô để dành được thêm 1.000 USD - hơn 23 triệu đồng) bằng cách lập ngân sách. Theo đó, phương pháp mà Glantz theo đuổi được học từ người bạn của mình.

Ý tưởng lập ngân sách chưa bao giờ là dễ dàng

Glantz nói rằng, trong phần lớn cuộc đời cô, ý tưởng thiết lập và gắn bó với một kế hoạch kiểm soát ngân sách dường như là không thể. Cô thường sẽ lập một bản nháp về số tiền muốn chi tiêu từ cuối tháng trước nhưng các kế hoạch đó đều rất lỏng lẻo và cô nhanh quên đi chỉ sau một vài ngày.

Mở đầu bài viết, Glantz nói rằng một trong những mục tiêu lớn nhất của cô trong năm 2021 là vượt qua các thói quen xấu trong quản lý tài chính cá nhân và học được cách lập ngân sách nghiêm túc hơn. 

Cô đã nghiên cứu các thủ thuật và mẹo hay nhất của người khác (sử dụng bảng tính ngân sách, bỏ tiền vào phong bì trong tháng, thanh toán mọi thứ chỉ bằng tiền mặt,...) nhưng cô chưa tìm ra được giải pháp cho mình.

Sau đó, cô quyết định chia sẻ mối băn khoăn này với một người bạn của mình, người này là một bà mẹ của 3 đứa trẻ và luôn quản lý tài chính gia đình rất tốt. Cuối cùng, Glantz đã học được cách làm thế nào để lập, duy trì ngân sách từ đó tiết kiệm nhiều tiền hơn mỗi tháng. 

Kết quả là trong năm nay, mỗi tháng cô đã tiết kiệm được nhiều hơn 1.000 USD. Tưởng như phức tạp nhưng thực tế, lập ngân sách giúp tiết kiệm nhiều hơn lại không quá khó như chúng ta vẫn tưởng.

Mẹo lập ngân sách đơn giản để tiết kiệm nhiều hơn

1. Hãy thực tế

Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người thường mắc phải khi cố gắng lập ngân sách là thề sẽ chi tiêu một số tiền nhất định mỗi tháng nhưng mục tiêu đó không thực tế. Theo thống kê thì đa số mọi người luôn dự trù ít hơn 25% so với những gì mình thực sự cần chi tiêu.

Thay vì cố gắng sửa 2 thói quen xấu là bội chi và không tuân thủ ngân sách, bạn nên chọn từng mục tiêu một. Đặt ngân sách phù hợp với chi tiêu hiện tại của mình là một cách hiệu quả để đi đúng hướng và có tổ chức. 

Sau đó, bạn có thể điều chỉnh ngân sách để giảm chi tiêu trong một số danh mục nhất định giúp bạn tiết kiệm hơn. Nói cách khác, hãy làm từng bước thay vì vội vàng. Mỗi tháng, số tiền bạn dự trù chi tiêu có thể sẽ khác nhau và điều đó không sao cả. Có một số tháng, bạn chi tiêu nhiều và tiết kiệm ít nhưng sang tháng sau, bạn có thể làm ngược lại.

2. Cập nhật ngân sách thường xuyên

Nghệ thuật tạo ngân sách không chỉ là một quá trình, nó còn là một giải pháp quản lý tài chính cá nhân đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực. Ngay cả khi bạn sử dụng bảng ngân sách của người khác lập sẵn cho rồi, bạn vẫn phải điều chỉnh các danh mục dựa trên những gì áp dụng cho chính bản thân bạn. 

Đương nhiên, bạn cũng phải thường xuyên kiểm tra chi tiêu của mình để biết cách lập kế hoạch được cá nhân hóa do không ai có điều kiện hay thói quen giống hệt nhau. 

Lập ngân sách giúp tiết kiệm nhiều hơn vài triệu mỗi tháng - Ảnh 1.

Lập ngân sách để tiết kiệm nhiều hơn, bạn cũng sẽ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. (Nguồn: BuzzFeed)

Khi đã hoàn thành công việc khó khăn đó, rất nhiều người vẫn có thể từ bỏ việc kiểm soát tiền bạc của mình. Lý do là vì cảm thấy rất khó có thể duy trì, cảm giác gò bó và cứng nhắc của việc lập ngân sách khiến mọi người mệt mỏi.

Thay vào đó, lời khuyên của Glantz là bạn hãy kiên trì để việc cập nhật ngân sách và theo dõi chi tiêu trở thành một thói quen hàng ngày. Mỗi tối, sau bữa ăn, bạn hãy mở bảng tính Excel và viết ra những gì mình đã chi tiêu trong ngày hôm đó, nghiên cứu xem chi tiêu của mình trong tuần, trong tháng như thế nào (các xu hướng, khoản chi nhiều nhất, các khoản không cần thiết…). 

Điều này giúp bạn nhận thức rõ hơn và phù hợp với những gì đang diễn ra về mặt tài chính và không bị bất ngờ hoặc bị sốc vào cuối tuần bởi bất kỳ khoản mua sắm nào mà bạn hoàn toàn không dự định trước đó.

3. Bạn vẫn có thể tiêu tiền như ý muốn

Đa số mọi người thường bị ám ảnh bởi suy nghĩ, muốn theo đuổi mục tiêu tiết kiệm qua việc lập ngân sách có nghĩa là mình sẽ luôn phải tự chủ ở mức cực kỳ nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này dễ tạo ra tâm lý phản kháng. Thực tế thì bạn chỉ cần xem xét chi tiêu của mình theo từng tuần và phát hiện ra những khoản chi cần điều chỉnh là được.

Giả sử, bạn chi tiêu quá mức cho ăn uống nhưng lại tiêu ít hơn cho các khoản mua quần áo thì bạn có thể san sẻ để chúng cân bằng hơn một chút. Bài học ở đây là hãy tuân thủ nghiêm ngặt số tiền bạn đã lập ngân sách cho tháng đó, nhưng hãy cẩn thận hơn về việc chính xác số tiền đó sẽ đi đến đâu. Nếu không cần thiết thì không chi và cũng đừng để các khoản chi lệch nhau quá nhiều.

4. Lên kế hoạch cho những khoản chi đột xuất

Với những ai chưa bao giờ có quỹ khẩn cấp trong ngân sách thì khi có bất kỳ điều nhỡ nhàng nào xảy ra nằm ngoài kế hoạch, ví dụ như ốm đau, sửa nhà, sửa xe thì bạn có thể thấy bực bội và buộc phải từ bỏ ngân sách. 

Chúng ta không thể biết được những điều đột ngột xảy ra nhưng việc duy trì quỹ khẩn cấp thì luôn đúng. Nó sẽ giúp bạn bớt áp lực và giảm lo lắng về gánh nặng tiền bạc.

5. Học cách từ chối

Có ngân sách cho phép bạn biết mình có thể chi bao nhiêu trong tháng đó cho mọi thứ, từ cửa hàng tạp hóa đến các hoạt động vui chơi với bạn bè. Có cấu trúc kiểu này cho phép bạn biết trước những gì mình có thể nói đồng ý và những gì phải từ chối - chẳng hạn như quá nhiều buổi hẹn tiêu tốn kha khá số tiền bạn kiếm được. 

Từ chối đúng thời điểm cũng là cách quản lý ngân sách thông minh, giúp bạn tiết kiệm tiền trong cả năm dài.

Thu Phương