Làm sao để thu hút các dự án FDI có chất lượng?
Tại hội thảo các công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam diễn ra ngày 18/11 tại TP HCM, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá các doanh nghiệp FDI có vai trò lớn trong việc đóng góp vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tương đương khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của VCCI, quy mô vốn trung bình một dự án FDI đang có xu hướng nhỏ lại. Chỉ khoảng 5% dự án sử dụng công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp. Mức độ nội địa hóa các sản phẩm mới đạt khoảng 20-25%, thấp hơn so với các nước trong khu vực, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, quy hoạch treo, chậm trễ triển khai dự án vẫn diễn ra.
Trong khi đó, quỹ đất dành cho xây dựng nhà xưởng đến này không còn nhiều. Điều này cho thấy cần nhanh chóng thúc đẩy việc thanh lọc các dự án thiếu chất lượng, không tiếp nhận dự án FDI bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường chất lượng sống để lấy thành tích phát triển kinh tế.
“Vấn đề đặt ra là phải làm sao thu hút các dự án FDI có chất lượng, hoặc tìm kiếm được các nhà đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế - xã hội và môi trường do các dự án đầu tư nước ngoài kém chất lượng gây ra”, ông Đậu Anh Tuấn nói và cho rằng, các địa phương có vai trò trong việc thẩm định dự án FDI để lựa chọn được dự án tốt.
Để giải bài toán thẩm định dự án FDI, VCCI cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã phối hợp xây dựng bộ công cụ để sàng lọc dự án FDI, nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố xác định, giảm thiểu, ngăn ngừa và quản lý tốt hơn các tác động tiêu cực thực tế và tiềm ẩn của dự án đầu tư.
Công cụ này bao gồm các đánh giá bắt buộc về việc liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam; các đánh giá bắt buộc về những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế - xã hội và môi trường; các tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm.
Khẳng định rằng bộ công cụ này là bước thí điểm đầu tiên nhằm đưa ra các khuyến nghị hỗ trợ các địa phương sử dụng trong chọn lọc các dự án FDI, ông Tuấn cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan cùng xây dựng, hoàn thiện và triển khai một cách chính thức trong công tác thẩm định dự án FDI. Đồng thời, tham mưu xây dựng khung khổ pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm.
"Với các nhà đầu tư, cần tìm hiểu bộ công cụ để có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật; khuyến khích đáp ứng các tiêu chí về kinh doanh có trách nhiệm", đại diện VCCI lưu ý.
Còn theo bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP, những công cụ sàng lọc sẽ bảo đảm các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động một cách có trách nhiệm hơn, giúp cho môi trường đầu tư tại Việt Nam càng trong sạch, bền vững và thu hút. Từ đó, củng cố vai trò, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.