|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Việt Nam có thể bị lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp, nguy cơ thành điểm đến các dự án FDI chất lượng thấp'

11:02 | 25/10/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia của VEPR nhấn mạnh nước ta có thể bị lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp và vị thế bất lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng lao động chưa cao.

Ngày 25/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Konrad-Adenauer-Stiftung phối hợp tổ chức tọa đàm “FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA”. 

Đánh giá chung, VEPR cho rằng quy mô nền kinh tế Việt Nam đã lớn gấp nhiều lần, trong đó khu vực FDI góp phần ngày càng nhiều hơn về vốn đầu tư, về thu ngân sách nhà nước, về GDP và về xuất nhập khẩu.

FDI luôn được coi là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực, đa dạng hóa xuất khẩu, tạo ra một lượng lớn việc làm cho một lực lượng dân số trẻ, từ đó cải thiện được nguồn thu của Nhà nước và cán cân thanh toán.   

 

Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành lĩnh vực trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân 2. Phần lớn tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VEPR.

 Tuy nhiên, thu hút và thực hiện FDI của Việt Nam cho thấy một số hạn chế và tác động không mong muốn.

Một trong số đó phải kể đến việc chưa có nhiều dự án FDI vào vào một số ngành, lĩnh vực chất lượng cao như công nghệ cao, công nghệ sạch, nông nghiệp (nhất là lĩnh vực có giá trị gia tăng và xuất khẩu cao), dịch vụ có hàm lượng tri thức cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo, kết cấu hạ tầng.

FDI từ EU vào Việt Nam khiêm tốn so với các nước ASEAN

Nói riêng về thu hút FDI từ EU vào Việt Nam, số lượng các đối tác thuộc EU tham gia đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng và lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo. 

Hà Lan là đối tác đầu tư lớn nhất trong khối EU vào Việt Nam, đóng góp gần 50% tổng số vốn FDI của toàn khối tại Việt Nam; Pháp, Luxembourg, Đức, Đan Mạch và Bỉ đóng góp gần 42%.  

Tính toán theo số liệu thống kê của Eurostat và Tổng cục thống kê, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam thường chỉ dao động từ 2-5% so với tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới.

Ngoài ra, trong tương quan so sánh với các nước ASEAN, vai trò của Việt Nam với các nước EU như là điểm đến đầu tư còn rất hạn chế. Đối với Việt Nam, tỷ trọng vốn đầu tư của EU trong tổng FDI của cả nước cũng còn rất khiêm tốn.

Quy mô của các dự án do EU đầu tư vẫn còn rất chênh lệch. Bên cạnh những dự án quy mô lớn, giá trị cao, đại đa số các dự án có giá trị trung bình nhỏ.

Xét về lĩnh vực đầu tư, có thể thấy rằng chất lượng các dự án FDI của EU vào Việt Nam vẫn còn thấp trong tương quan so sánh với các nước ASEAN khác. Lĩnh vực đầu tư của EU vào Việt Nam tương đối khác so với xu hướng đầu tư chung của EU vào các nước ASEAN. 

Việt Nam có thể bị lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp  

Tại tọa đàm, nhóm nghiên cứu của VEPR - TS. Nguyễn Thị Thanh Mai và TS. Nguyễn Thị Vũ Hà cũng đề cập đến những thách thức đối với hoạt động thu hút vốn FDI từ EU vào Việt Nam 

VEPR nhấn mạnh do những hạn chế trong yếu tố nguồn lực, Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp.

"Nước ta có thể bị lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp và vị thế bất lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng lao động chưa cao. Đồng thời, do quy định môi trường chưa chặt chẽ, năng lực quản lý và giám sát ảnh hưởng môi trường của dự án", nhóm chuyên gia của VEPR cho biết.

Ngoài ra, thách thức còn đến từ tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư toàn cầu nói chung và các nhà đầu tư từ EU suy yếu do những rủi ro từ bối cảnh mới.

Các chuyên gia tại đây cho rằng các nhà đầu tư EU sẽ thận trọng hơn khi quyết định đầu tư ra nước ngoài. Hiện, FDI của EU vào Việt Nam còn rất hạn chế cả về số lượng và giá trị các dự án đầu tư. Trong bối cảnh FDI toàn cầu gần đây sụt giảm mạnh, sự cạnh tranh thu hút vốn FDI được dự báo sẽ ngày càng gay gắt.

Một khó khăn khác nữa là quá trình chuyển đổi số cũng có thể thu hẹp dòng đầu tư của EU vào Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực có giá trị cao do sự thay đổi trong mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp đa quốc gia.

Các nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm lao động giá rẻ hay nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng trong bối cảnh cách mạng 4.0, mục tiêu của họ là tìm kiếm kiến thức và công nghệ. Đây không phải là lợi thế của Việt Nam do nước ta còn nhiều hạn chế về nguồn lao động có kỹ năng, năng lực công nghệ, tài chính, đồng thời chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ các ngành công nghệ cao còn kém phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư EU như chất lượng cơ sở hạ tầng còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực dù được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. 

Hồng Hà