|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm sao để Đà Nẵng đáng sống ban ngày lẫn ban đêm?

10:05 | 11/07/2020
Chia sẻ
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TP Đà Nẵng đáng sống nhưng mới đáng sống ban ngày. Đà Nẵng phải đáng sống ban đêm nữa thì mới được liệt vào thành phố du lịch nổi tiếng thế giới.

Dịch COVID-19 gây thiệt hại 5.672 tỉ đồng ngành du lịch Đà Nẵng

Sáng ngày 10/7, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra tọa đàm "Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm dịch vụ giải trí đêm" do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp cùng Sun World (Tập đoàn Sun Group) và Vietnam Airline tổ chức.

Làm sao để Đà Nẵng đáng sống ban ngày lẫn ban đêm? - Ảnh 1.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận).

Tại tọa đàm, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt âm 3,61%. 23 năm qua, đây là lần đầu tiên TP Đà Nẵng bị mức tăng trưởng âm. Đời sống người dân ảnh hưởng vì mất việc làm do COVID-19. 

Các doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, ảnh hưởng rất lớn đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Điều này cũng đúng vì du lịch đang chiếm tỉ trọng 64% đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Khi du lịch bị ảnh hưởng thì đương nhiên tỉ trọng tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng là điều không thể tránh khỏi. Để phục hồi lại việc phát triển du lịch, trong thời gian qua TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực, cùng sự hỗ trợ của hiệp hội các công ty bằng nhiều kênh, nhiều giải pháp. 

"Qua gần một tháng thực hiện chương trình kích cầu, lượng khách đến TP Đà Nẵng đạt gần 500.000 lượt khách trong vòng một tháng chủ yếu là khách nội địa. Thành phố đã thiết lập sự liên kết du lịch với nhiều địa phương như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. 

Sắp tới TP Đà Nẵng sẽ thiết lập quan hệ với địa bàn du lịch trọng điểm phía Bắc là Quảng Ninh cũng như với các hãng hàng không. Thành phố đã có chính sách kích cầu như giảm giá vé tham quan một số điểm du lịch thành phố. Các công ty cũng đã hỗ trợ trong giảm giá dịch vụ...

Phát triển kinh tế đêm là một lĩnh vực mới đối với đất nước chúng ta. Và với riêng Đà Nẵng, lĩnh vực này còn mới mẻ hơn. Sau khi có các chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu kinh tế đêm, chúng tôi đã bắt tay vào tìm các giải pháp phát triển kinh tế đêm", ông Chinh thông tin.

Làm sao để Đà Nẵng đáng sống ban ngày lẫn ban đêm? - Ảnh 2.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết ước tính thiệt hại do COVID-19 trong 6 tháng 2020 khoảng 5.672 tỉ đồng. (Ảnh: Văn Luận).

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm nay, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam. Riêng đối với TP Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng khách tham quan, du lịch 6 tháng 2020 ước đạt 1,87 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kì 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 667.048 lượt, giảm 62,2%; khách nội địa ước đạt 1,2 lượt, giảm 51,4%. Ước tính thiệt hại do COVID-19 trong 6 tháng khoảng 5.672 tỉ đồng.

"Để khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, ngành du lịch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động. 

Ngoài việc triển khai chương trình kích cầu du lịch đã có tác động tốt, sức lan tỏa cao, phát triển kinh tế ban đêm có thể được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khôi phục hoạt động du lịch sau dịch, vừa mang tính chiến lược lâu dài", bà Hạnh nói.

Về phát triển kinh tế ban đêm ở TP Đà Nẵng, PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, xét từ góc độ lịch sử không phải tới bây giờ Đà Nẵng mới quan tâm, mà ngay từ 10 - 15 năm trước khi bàn về chân dung phát triển của Đà Nẵng tương lai thì đã bàn về khái niệm Đà Nẵng phải sống về đêm như thế nào?.

"Làm du lịch nếu chỉ có ban ngày không thì Đà Nẵng cũng vui nhưng đó là cái vui ngắn. Tắm xong lại đi ăn. Ăn xong lại tắm thì chán. Rồi chỉ 1- 2 ngày là khăn gói lên đường trở về. Nếu không có hoạt động ban đêm thì Đà Nẵng buồn hơn rất nhiều.

Cách đây 10 - 15 năm, tại những hội thảo bàn giải pháp đưa Đà Nẵng lên đẳng cấp rất cao trong phát triển không chỉ ở Việt Nam mà trên tầm thế giới thì vấn đề phát triển kinh tế đêm đã được đặt ra rất nghiêm túc, rất bài bản. Lúc đó người ta đã nhắc câu chuyện Đà Nẵng thiếu một không gian ban đêm, thiếu một downtown để cả thành phố thức.

Lúc đó tôi nhớ cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã nói Đà Nẵng không làm du lịch được vì lúc người ta ngủ thì ông lại dậy đi tập thể dục, ông làm um tỏi lên buổi sáng sớm. Khách du lịch người ta đang ngủ đến 9h thì 4 - 5h ông đã dậy làm um tỏi lên rồi. Còn lúc cần thức thì ông lại tắt hết đèn đi ngủ từ 8h tối. Cứ như thế mãi thì Đà Nẵng không thể làm du lịch được. Chính cách tiếp cận đó mở ra cho chúng ta thấy rằng tầm nhìn cho phát triển du lịch Đà Nẵng rất là hay", ông Thiên nói.

Làm sao để phát triển kinh tế ban đêm TP Đà Nẵng?

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, thứ nhất về lợi thế cạnh tranh, Đà Nẵng là thành phố truyền thống. Đà Nẵng được thiết kế để hoạt động ban ngày, bây giờ chuyển sang ban đêm. Ban ngày vẫn hoạt động nhưng phải có thêm cái gì, khác điều gì để ra cái kinh tế ban đêm? Đó là bài toán đặt ra.

Làm sao để Đà Nẵng đáng sống ban ngày lẫn ban đêm? - Ảnh 3.

PGS. TS Trần Đình Thiên phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Văn Luận).

TP Đà Nẵng hút dân vào, tập trung thức ban ngày và ngủ ban đêm. Nếu san ra thì làm giảm áp lực đô thị, 1/3 thức ban đêm, 2/3 thức ban ngày. Lúc này thành phố nhẹ đi, bớt căng thẳng.

Giống như những thành phố văn minh bao giờ cũng có kinh tế ban đêm, có đô thị dưới đất, đường sá dưới đất. Tự nhiên thành phố thông thoáng hẳn đi. Tiếp cận như vậy, chân dung thành phố nó khác, áp lực giảm đi. Đà Nẵng diện tích không rộng mà cần dành đất để làm việc khác nữa thì nên đặc biệt phân tích thêm quan hệ cấu trúc phát triển đô thị theo nghĩa kinh tế ban đêm.

Ngoài thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế ban đêm còn để hồi sinh những đô thị vốn vắng vẻ vào ban đêm. Phát triển kinh tế ban đêm nó cần những nơi vắng vẻ, nếu chơi ở giữa khu dân cư thể nào cũng kiện cáo tùm lum ngay. Khu nào mà vắng vẻ hóa ra lại lợi thế cho kinh tế ban đêm.

Theo ông Thiên, ban đêm dễ tập trung chi tiêu, hiệu quả gấp nhiều lần.

TP Đà Nẵng đáng sống nhưng mới đáng sống ban ngày và đáng ngủ ban đêm. Đà Nẵng phải đáng sống ban đêm nữa thì mới được liệt vào thành phố du lịch nổi tiếng thế giới.

Đà Nẵng cơ bản là chưa có kinh tế ban đêm. Hoạt động về đêm cùng lắm đến 10 - 11h mà theo luật các chỗ phải đóng cửa 12h hoặc cùng lắm 2h đóng cửa. Nói như thế có nghĩa là chưa có kinh tế ban đêm – đồng nghĩa là điểm yếu, nhưng đồng thời điểm mạnh là có dư địa để phát triển. Đây là cơ hội cho ông nào muốn đi trước, phát triển du lịch đêm", PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Còn theo Giám đốc Sở Du lịch, tại TP Đà Nẵng kinh tế ban đêm đang dần hình thành trong thời gian gần đây với nhiều tiềm năng lợi thế đang sẵn có ban đầu.

Cụ thể, thứ nhất, hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế ban đêm tương đối hiện đại, đồng bộ. Các tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn rất đa dạng, phong phú như: các bãi biển đẹp, các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực đặc sắc… đang trở thành điểm đến ưa thích cho du khách trong và ngoài nước.

Thứ hai, các hoạt động, dịch vụ về đêm (giải trí, mua sắm, ăn uống, tham quan) trên địa bàn thành phố đã cơ bản hình thành và từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, cụ thể như: các khu vui chơi giải trí qui mô lớn Sun World Đà Nẵng Wonders (Công viên châu Á); Khu du lịch suối khoáng nóng Núi Thần Tài tổ chức hoạt động đón khách đến vui chơi giải trí, thưởng thức ẩm thực vào ban đêm; Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài tại Crowne Plaza, Furama resort, One Opera (hoạt động 24/24h).

Làm sao để Đà Nẵng đáng sống ban ngày lẫn ban đêm? - Ảnh 5.

Khách du lịch đến Đà Nẵng trở lại, dùng dịch vụ trên bãi biển. (Ảnh: Văn Luận).

Phố đêm, phố đi bộ đang hình thành khu phố du lịch tại An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn)...; Hoạt động bar, vũ trường, tụ điểm ca nhạc như Sky36 (khách sạn Novotel), F29 Sky bar (khách sạn Golden Bay), Sky21 Bar (khách sạn Belle Maison)... Dịch vụ ăn uống có các cơ sở dịch vụ ăn uống hình thành dọc các tuyến đường trung tâm: bar, pub, club, nhà hàng, quán ăn, cà phê…

Phố chuyên doanh ẩm thực: phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái, đoạn đường chuyên doanh ẩm thực văn minh thương mại Lê Thanh Nghị...

Chợ đêm, tuyến phố chuyên doanh mua sắm: chợ đêm Sơn Trà, Helio, tuyến phố thời trang Lê Duẩn...

Dịch vụ tham quan du lịch về đêm: tour du lịch đường thủy nội địa thưởng ngoạn sông Hàn; tour xích lô thưởng ngoạn trung tâm thành phố; Các điểm nhấn kiến trúc để tham quan check-in buổi tối: cầu Rồng, Cầu Nguyễn Văn Trỗi, SunWheel (Vòng quay mặt trời), Cầu Tình yêu...

Văn Luận