|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Làm rõ trách nhiệm các bên liên quan

09:49 | 17/04/2017
Chia sẻ
Tranh chấp phần diện tích thuộc sở hữu chung, bất đồng về lối đi của dự án, chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà… là tình trạng phổ biến tại các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội gần đây. Muốn xử lý triệt để vấn đề này cần làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.
lam ro trach nhiem cac ben lien quan
Cư dân Home City không hài lòng vì phải đi theo đường Nguyễn Chánh. Ảnh: Hồng Khanh

Gia tăng tranh chấp

Tổ hợp chung cư N05, Trung Hòa - Nhân Chính gồm 4 tòa cao 25 tầng với gần 1.000 căn hộ, được Tổng công ty CP Vinaconex đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án đã được bàn giao cho người dân từ năm 2012. Theo quy định của pháp luật, khi bán nhà, chủ đầu tư thu tiền phí bảo trì 2% giá trị căn hộ, sau đó lập tài khoản ngân hàng và gửi toàn bộ quỹ bảo trì để sau này bàn giao cho Ban quản trị (BQT) tòa nhà. Tuy nhiên, theo phản ánh của BQT tòa N05, nhiều năm nay chủ đầu tư vẫn chưa trả lại người dân số tiền bảo trì 70 tỷ đồng.

­Ông Nguyễn Trọng Thanh, BQT khu N05 Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, ngay từ khi họp BQT lần thứ nhất năm 2013, chúng tôi đã gửi công văn yêu cầu Vinaconex chuyển giao toàn bộ quỹ bảo trì cho người dân. Tuy nhiên, cho đến nay đơn vị này vẫn viện dẫn nhiều lý do không hợp lý và không bàn giao quỹ bảo trì. Trong khi đó, sau 3 năm sử dụng, tòa nhà bị xuống cấp, nhưng không có kinh phí duy tu, sửa chữa. Giải thích việc chậm bàn giao quỹ bảo trì, Vinaconex nêu lý do về việc văn bản pháp luật chưa có sự thống nhất về chủ thể quản lý quỹ này nên chưa thể bàn giao.

Nếu cư dân chung cư N05, Trung Hòa - Nhân Chính bất bình vì chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì, thì cư dân Home City Trung Kính (quận Cầu Giấy) lại không đồng tình về lối đi của dự án. Tại buổi đối thoại với chủ đầu tư vừa diễn ra đầu tháng 4, cư dân Home City cho rằng, chủ đầu tư đã cố tình lập lờ trong việc bán hàng khi để địa chỉ hợp đồng tại số 177 Trung Kính, nhưng sau khi bàn giao, lối đi chính thức lại ở phía đường Nguyễn Chánh.

Giải thích vấn đề này, ông Lê Đăng Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính cho biết, địa chỉ 177 Trung Kính chỉ là địa chỉ giao dịch của công ty, đồng thời là cổng dự án Home City. Tuy nhiên, dự án có hai phần công trình và phần công trình khu nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê có lối đi phía đường quy hoạch rộng 21m lối Nguyễn Chánh. Phần công trình trường tiểu học có lối đi tại số 177 Trung Kính.

Những vấn đề xung quanh câu chuyện lối đi của dự án Home City không chỉ khiến cư dân bức xúc mà ngay cả chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính cũng “đau đầu”. Hiện nay, con đường từ dự án đi ra Nguyễn Chánh đã được chủ đầu tư đấu nối theo quy hoạch chung. Song, nếu được đấu nối theo đúng quy chuẩn giao thông sẽ bảo đảm được lối đi an toàn cho cư dân. Tuyến đường thứ hai liên quan đến dự án Home City là tuyến nối từ dự án với đường Mạc Thái Tổ, song vẫn chưa hình thành. Chủ đầu tư mong muốn sẵn sàng ứng vốn trước để thực hiện nếu được phép.

lam ro trach nhiem cac ben lien quan
Tổ hợp chung cư N05 Trung Hòa - Nhân Chính còn vướng mắc giữa chủ đầu tư và người dân. Ảnh: Anh Tuấn

Đưa hoạt động chung cư vào nền nếp

Để quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, có hiệu lực thi hành từ ngày 2-4-2016. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nhiều chủ đầu tư chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập BQT tòa nhà. Hiện, mới có 40% chung cư thành lập BQT.

Bên cạnh đó, vẫn xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu nhà chung cư về diện tích thuộc phần sở hữu chung như nơi để xe đạp, xe máy. Rồi tình trạng thu phí dịch vụ trông giữ xe sai quy định của thành phố, chậm bàn giao kinh phí bảo trì 2%... Đặc biệt, một số đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà chung cư còn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ chưa tốt dẫn đến bất đồng giữa đơn vị quản lý vận hành và người sử dụng, ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội.

Để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, Sở Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện Dự thảo Chỉ thị của UBND thành phố về tăng cường công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Dự thảo Chỉ thị đã làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó Sở Xây dựng tham mưu, giúp UBND thành phố triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư tái định cư trên địa bàn theo Thông tư số 02/2016/ TTBXD; đồng thời kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Chỉ thị cũng làm rõ trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã nơi có nhà chung cư nhằm hạn chế những sai phạm nảy sinh.

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Thị Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến nhà chung cư hiện ban hành quá chậm, chưa bắt kịp sự phát triển. Trong khi đó, số lượng văn bản dù nhiều nhưng lại chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn khi áp dụng giải quyết các tranh chấp. Để khắc phục thực trạng này, cần có một bộ luật riêng để quản lý các tòa nhà chung cư. Một hành lang pháp lý hoàn chỉnh sẽ giúp hạn chế và giải quyết nhanh các tranh chấp liên quan đến nhà chung cư đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Hương Ly