|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lạm phát tháng 4 chưa đáng lo, chứng khoán Mỹ còn bài kiểm tra lớn hơn phía trước

11:23 | 13/05/2021
Chia sẻ
Căn nguyên của đợt tăng lạm phát tháng 4 là các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19 và có nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong tương lai. Tuy nhiên, số liệu lạm phát lớn hơn nhiều dự báo của Phố Wall cho thấy tình hình có thể rất khó đoán.
Dữ liệu lạm phát tháng 4 chưa đáng lo, chứng khoán Mỹ còn bài kiểm tra lớn hơn - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Báo cáo lạm phát tháng 4 của Mỹ khiến nhiều người sửng sốt.

Chỉ số CPI tăng 4,2% so với năm trước và 0,8% so với tháng 3. Loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng cũng không hơn gì: chỉ số CPI lõi đi lên 3% so với một năm trước và 0,9% với tháng 3. Những con số này dễ dàng vượt quá dự đoán của các nhà kinh tế, tờ Barron's cho biết. 

Nhà đầu tư phản ứng bằng việc ồ ạt bán ra. Chứng khoán Mỹ ngày 12/5 đồng loạt lao dốc. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 1 năm nay khi mất 2%. Chỉ số S&P 500 cũng sụt 2,1%, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 2. Nasdaq Composite trượt 2,7%. 

Nhưng phân tích sâu hơn vào dữ liệu cho thấy sự gia tăng của lạm phát không quá đáng ngại. Ông David Rosenberg, nhà kinh tế trưởng tại Rosenberg Research lưu ý rằng mức tăng chủ yếu đến từ những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Ví dụ, giá cho các sự kiện thể thao nhảy vọt 10,1% chỉ trong một tháng, vé máy bay tăng 10,2% và giá phòng khách sạn leo lên 8,8%.

Tình trạng thiếu hụt thiết bị bán dẫn cũng làm tăng áp lực lên lạm phát. Giá máy tính và xe hơi cũ trong tháng 4 lần lượt tăng 5,1% và 10%.

Nhưng ông Rosenberg lưu ý rằng những ngành trên chỉ chiếm khoảng 7% nền kinh tế Mỹ. Giá cả trong 93% còn lại của kinh tế Mỹ chỉ tăng 0,3%, phù hợp với kỳ vọng.

Ông Rosenberg viết: "Tôi hiểu dữ liệu lạm phát tháng 4 cao bất ngờ, nhưng khi tôi phân tích dữ liệu, chúng khá dễ để giải thích".

Ông Eric Winograd, nhà kinh tế cấp cao của AllianceBernstein dự đoán: "Theo thời gian, kịch bản khả dĩ nhất là lạm phát rồi sẽ lắng xuống khi cung của nền kinh tế bắt kịp với cầu". 

Rủi ro phía trước

Các quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhiều lần trấn an công chúng rằng sự gia tăng lạm phát sắp tới phần lớn là kết quả của các yếu tố tạm thời và do mặt bằng so sánh trong năm ngoái quá thấp vì cả nền kinh tế bị phong tỏa.

Theo CNBC, nhìn chung, các nhà kinh tế có xu hướng đồng ý với Fed. Nhưng số liệu CPI mới nhất cao hơn đáng kể so với ước tính của Phố Wall là lời nhắc nhở rằng tình hình khó đoán đến mức nào.

Nhà kinh tế Veronica Clark của Citigroup viết trong lưu ý: "Dữ liệu trong những tháng tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đo lường sự dai dẳng của các đợt tăng giá mạnh. Tuy nhiên, như những gì báo cáo tháng 4 đã cho chúng ta thấy, có sự không chắc chắn đáng kể xoay quanh hướng đi của lạm phát và mọi dữ liệu kinh tế trong những tháng tiếp theo".

Thị trường đã đón nhận một số bất ngờ đáng chú ý trong thời gian gần đây, trong đó số lượng việc làm phi nông nghiệp được coi là yếu tố gây sốc hơn cả CPI. Điều đó khiến cho doanh số bán lẻ sẽ được công bố vào ngày 14/5 càng quan trọng hơn, đặc biệt là với bức tranh lạm phát hiện nay.

Lạm phát, như những gì Chủ tịch Jerome Powell chỉ ra, chủ yếu là trò chơi kỳ vọng. Theo suy nghĩ của Fed, công chúng sẽ tự biến niềm tin của họ thành sự thật, dù cho kỳ vọng đó là lạm phát giữ nguyên ở mức thấp hoặc duy trì ở mức cao. Sau đó nhiệm vụ của Fed sẽ là điều chỉnh chính sách theo bất kỳ hướng nào cần thiết.

Trong một thập kỷ qua, số đông đã trông chờ vào lạm phát thấp.

Nhưng nếu các báo cáo lạm phát cao bất ngờ như ngày 12/5 xuất hiện nhiều hơn, nếu người tiêu dùng tiếp tục đọc những bài báo về các trạm xăng hết hàng, đơn đặt hàng ô tô bị trễ hàng tháng trời do thiếu chip hoặc kinh tế tăng trưởng nhanh hơn cả dự đoán, bức tranh lạm phát có thể thay đổi nhanh chóng.

Ông Rick Rieder, Giám đốc đầu tư chứng khoán có thu nhập cố định ở BlackRock cho biết: "Nếu chúng ta tính tới tất cả các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa đã được thực hiện (hoặc sẽ sớm triển khai), cuộc khủng hoảng COVID-19 có vẻ như là một sự kiện gây lạm phát ròng, ít nhất là trong thời gian tới".

"Nguy cơ tăng trưởng quá nóng trong lĩnh vực tài chính và bất động sản đang này càng trở thành thách thức thực tế đối với chính sách trong tương lai. Nếu không có sự thay đổi lớn từ chính sách đối phó với các điều kiện kinh tế khẩn cấp như từ trước đến nay, rủi ro sẽ ngày càng lớn lên".

Giang