|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát ở Đức lên mức cao nhất trong 40 năm qua

23:23 | 28/04/2022
Chia sẻ
Việc đứt gãy nguồn cung, đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine đã khiến giá cả các mặt hàng ở Đức tăng mạnh từ nhiều tháng qua.

(Ảnh minh họa: Bloomberg).

Việc đứt gãy nguồn cung, đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine đã khiến giá cả các mặt hàng ở Đức tăng mạnh từ nhiều tháng qua. Trong tháng 4/2022, tỷ lệ lạm phát tại nền kinh tế đầu tàu châu Âu này đã tăng 7,4%, mức cao nhất trong 40 năm qua. 

Số liệu của Cục Thống kê liên bang Đức ngày 28/4 cho biết, tỷ lệ lạm phát tại Đức trong tháng 4 đã tăng lên mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tác động từ xung đột ở Ukraine khiến giá năng lượng và vật liệu thô tăng mạnh.

Mức lạm phát ghi nhận trong tháng 4/2022 là mức cao nhất ở Đức kể từ mùa Thu năm 1981 và tăng hơn 0,1% so với tháng 3/2022. Người tiêu dùng cũng cảm nhận rõ hậu quả khi giá xăng dầu và dầu sưởi tăng cao.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm cũng đồng loạt tăng giá. Việc nguồn cung bị gián đoạn cùng với hậu quả của đại dịch COVID-19 đã khiến giá cả đều tăng mạnh và xung đột ở Ukraine càng thổi bùng mức lạm phát lên cao.

Từ tháng 3 sang tháng 4/2022, riêng giá tiêu dùng ở Đức đã tăng khoảng 0,8%. Lạm phát cao đã ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng khi cùng một số tiền nhưng khách hàng chỉ mua được một lượng mặt hàng ít hơn trước.

Chính phủ liên bang Đức hiện đã tung ra hai gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân ở Đức. Trong các dự báo gần đây nhất, các nhà kinh tế không thể đưa ra được một viễn cảnh rõ ràng, song nhìn chung vẫn nhận định trong năm 2022, tỷ lệ lạm phát trung bình ở mức trên 6% ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Đây cũng sẽ là mức lạm phát cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Trong năm 2021, giá tiêu dùng ở Đức tăng trung bình hàng năm là 3,1%.

Trước đó ngày 27/4, Chính phủ Đức đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, xuống còn 2,2%, do những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng và tiêu dùng tăng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.

Mạnh Hùng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.