|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làm giàu từ sản xuất nội dung trên Youtube không đơn giản

17:08 | 26/10/2019
Chia sẻ
Nhiều nhà sáng tạo nội dung trên Youtube có thể kiếm về cả triệu USD nhưng cũng không phải ai cũng thành công khi làm việc trên nền tảng này.

"Nghề" làm nội dung Youtube

Năm 2007, Chương trình đối tác YouTube (YPP) chính thức ra đời. Đây là chương trình cho phép các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng có thể kiếm được doanh thu quảng cáo thông qua tài khoản Google Adsense. 

Google (công ty mẹ của Youtube) sẽ thu lại 45% doanh thu từ quảng cáo và trích 55% còn lại nhà người tạo nội dung.

Ra mắt công chúng năm 2005 nhưng phải 7 năm sau đó, Youtube mới có video đạt 1 tỉ view đầu tiên (Gangnam Style). Nhưng cũng chỉ mất 7 năm cho tới thời điểm hiện tại (2019), số video chạm mốc này là 176.

Sự bùng nổ về lượng người dùng đi kèm với doanh thu khổng lồ từ quảng cáo. Điều này dẫn đến việc các nhà sáng tạo nội dung ngày một kiếm được nhiều tiền hơn từ việc tạo dựng video trên nền tảng Youtube.

Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu tối thiểu kiếm tiền từ Youtube, một lênh (channel) phải đạt tối thiểu 1.000 lượt đăng kí và 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng gần nhất.

"Nhiều người nói thì dễ nhưng thật sự việc kiếm được tiền quảng cáo từ Youtube không hề đơn giản. Mọi người chỉ nhìn thấy những trường hợp thành công. Nhiều người làm cả năm cũng chưa chắc đã có thu nhập ngang với công việc văn phòng", anh Việt, chủ nhân một kênh với 10.000 lượt đăng kí cho hay.

Cũng theo anh Việt chia sẻ, lượng tiền kiếm được từ lượt xem ở Việt Nam tương đối thấp. Người tạo nội dung chỉ được trả 0,3 USD - 0,5 USD cho 1.000 lượt xem. Trong khi đó cũng với lượt xem tương tự nhưng từ người dùng Bắc Mỹ hay châu Âu, người tạo kênh có thể thu về số tiền gấp 5-6 lần.

Chính vì lí do này, việc hướng đối tượng mục tiêu tới những thị trường như Mỹ hoặc các nước nói tiếng Anh sẽ giúp kênh dễ dàng đạt mức thu nhập cao hơn. Theo Forbes thì năm 2018, kênh có thu nhập cao nhất trên nền tảng Youtube là Ryan ToysReview với 22 triệu USD.

maxresdefault

Là một kênh chuyên review các loại đồ chơi, Ryan ToysReview thu về 22 triệu USD từ Youtube trong năm 2018. Ảnh: YouTube

Khi mà lượng người dùng Youtube vẫn cứ tiếp tục tăng, thì doanh thu từ quảng cáo mà Google thu được cũng tăng theo. Chính vì thế càng những năm gần đây, Youtube càng làm mạnh công tác kiểm duyệt nội dung của mình.

"Trong khoảng thời gian 2014-2015, nhiều người dùng cứ reup (lấy lại nội dung từ kênh khác và đăng lên) là có thể ăn tiền, nhưng hiện giờ hệ thống AI của Youtube đã đủ mạnh để phát hiện tất cả những trường hợp gian lận đó", anh Việt nói.

Công cụ kiểm tra gian lận có khả năng phát hiện một video vi phạm bản quyền, cả về hình ảnh lẫn âm thanh.  Trong trường hợp bị phát hiện, kênh đó sẽ gần như ngay lập tức "chết" và người tạo sẽ không nhận được bất cứ một khoản tiền nào.

Ngoài ra, những năm gần đây Youtube cũng làm mạnh việc làm sạch nội dung trên nền tảng. Những video mang tính chất gây tranh cãi, bạo lực hay tình dục cũng dần được kiểm duyệt chặt chẽ.

Tuy nhiên, với lượng đăng tải video rất lớn lên nền tảng mỗi ngày, việc Youtube có "để lọt" một vài trường hợp cũng là điều bình thường. Theo anh Việt, một số người dùng đang cố tình lách luật bằng cách reup sau khi đã xử lí video bằng một vài công cụ chỉnh sửa. Hiện tại AI của Youtube vẫn chưa thật sự quét sạch được những trường hợp lách luật này.

Thủ tục nhận thanh toán

Chính vì có yếu tố nước ngoài, nên người sáng tạo nội dung tại Việt Nam đang gặp một vài rào cản nhất định. Theo chính sách của Youtube, người dùng có hai cách thanh toán để lựa chọn.

Nếu muốn nhận tiền trực tiếp, nhà sáng tạo nội dung sẽ nhận được một thư tay (gửi từ Mỹ) có chứa một mã PIN gồm 6 chữ số. Mã PIN này dùng để xác thực phương thức thanh toán (qua séc, qua ngân hàng có liên kết hoặc Western Union). Hình thức này tương đối phức tạp khi mỗi 10 USD, người dùng lại được nhận một thư tay mới.

Trường hợp thứ hai, người dùng có thể tham gia vào một mạng lưới (network) như Yeah1 hoặc Metub. Network sẽ nhận tiền từ Youtube sau đó chia sẻ lại tới nhà sáng tạo nội dung. Tuy nhiên để gia nhập một network thì kênh video cũng cần đạt đủ những tiêu chuẩn mà network đề ra ban đầu.

Kê khai thuế

Theo thông tin từ Zing, ngày 9/10 vừa qua cơ quan thuế TP HCM đã làm việc với một cá nhân để truy thu số tiền 1,5 tỉ tiền thuế đánh vào thu nhập người này kiếm được qua Youtube. Đây không phải trường hợp đầu tiên một cá nhân bị cơ quan thẩm quyền truy thu thuế từ hoạt động tạo ra nội dung.

6355404323_cf97f9c58e_b-58e276965f9b58ef7e7e00f2

Một cá nhân ở TP HCM đã bị truy thu 1,5 tỉ tiền thuế từ hoạt động trên Youtube.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, vẫn cần có chính sách để Google, Facebook phối hợp cung cấp thông tin giao dịch, các dòng tiền chi trả cho cơ quan thuế, từ đó mới xem xét được kênh tiếp cận để truy thu hiệu quả.

Nếu tính số tiền thu nhập từ việc làm nội dung Youtube là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân, thì người có thu nhập từ 960 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải chịu biểu thuế cao nhất tương ứng với 35%, theo điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007.

Theo kinh nghiệm của anh Việt chia sẻ, hiện tại có nhiều nhà sáng tạo nội dung thay vì đứng tên cá nhân đã thành lập doanh nghiệp để có một mức thu nhập tốt hơn. 

Việc đứng tên doanh nghiệp kinh doanh, nguồn doanh thu sẽ được khấu trừ các chi phí sản xuất, qua đó có thể minh bạch hóa nguồn thu, chi. Qua đó, số tiền chịu thuế sẽ giảm xuống đáng kể trong trường hợp chi phí sản xuất và vận hành kênh lớn. Hơn thế nữa, mức thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chỉ là 20%, theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008.

Lê Quý

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.