|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mất tỉ USD thuế với YouTube, Google...: Ai sẽ đứng ra đánh thuế?

09:22 | 28/08/2019
Chia sẻ
Bài toán đặt ra hiện nay, làm thế nào để thu được thuế Facebook, Google, YouTube... Ai đứng ra thu và ai giám sát, kiểm tra, truy thu thuế nếu các “đại gia” này không mở văn phòng đại diện tại VN?
avatar_1566957344513

Ảnh: AFP

Trả lời Thanh Niên, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ thuế, Tổng cục Thuế, cho biết tình trạng thất thu thuế đối với lĩnh vực thương mại xuyên biên giới, đặc biệt các công ty như Facebook, Google... diễn ra vô cùng nhức nhối không chỉ trong nước mà trên cả thế giới. 

Tại Hội nghị G7 vừa diễn ra, tổng thống Pháp đã đề xuất đánh thuế 3% trên tổng doanh thu của lĩnh vực này.

Theo ông Huy, bất cứ một dịch vụ và hàng hóa nào khi cung cấp từ nước ngoài vào VN đều phải chịu sự điều chỉnh của các sắc thuế trực thu và gián thu. Thuế gián thu bao gồm nhập khẩu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt... còn trực thu có thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức và thu nhập cá nhân đối với mỗi cá nhân.

Đối với dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, khó quản lý nhất do các công ty cung cấp không mở văn phòng đại diện tại VN như Google, YouTube... 

“Tuy nhiên, theo quy định của luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 vừa được ban hành (có hiệu lực vào 1.7.2020 - PV) đã quy định kể cả khi không mở văn phòng đại diện thì bất cứ nhà cung cấp nước ngoài nào đưa dịch vụ qua biên giới vào VN đều phải có trách nhiệm đăng ký, kê khai và nộp thuế tại VN hoặc ủy quyền cho các đối tác trong nước”, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế khẳng định.

Đối với các trường hợp không đăng ký, kê khai và nộp thuế, đặc biệt phải xử lý như thế nào? Đây là tình trạng diễn ra phổ biến suốt thời gian qua gây thất thoát lớn cho ngân sách. 

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thêm gần như tất cả các giao dịch chuyển tiền đều được thực hiện qua các ngân hàng thương mại, tuy nhiên do luật chưa có quy định nên ngân hàng không có căn cứ pháp lý để khấu trừ thuế. 

Hiện tại, theo quy định mới trong luật Quản lý thuế sửa đổi, các ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ khoản thu nhập phát sinh đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại VN. 

“Vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát dòng tiền vào ra, tới đây NHNN sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, điều kiện, cách thức khấu trừ”, lãnh đạo này cho hay.

Từ góc độ của cơ quan quản lý thuế, theo ông Lưu Đức Huy, quan trọng nhất là phải làm việc với các công ty nước ngoài và yêu cầu họ khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nên đặt văn phòng đại diện tại VN. 

“Vừa rồi, chúng tôi cũng đã làm việc với Netflix, họ cũng cam kết tuân thủ mọi quy định về pháp luật thuế, cũng như việc mở đại diện ở VN”, ông Huy nói. 

Đối với, các công ty không mở văn phòng đại diện, theo quy định của luật An ninh mạng, các đơn vị này phải lưu trữ dữ liệu tại VN. Khi đã lưu trữ thì theo các hành lang pháp lý thuế của VN cũng như các hiệp định với các quốc gia khác có thể kiểm soát được. 

Tổng cục Thuế đang xây dựng các quy trình đăng ký thuế, mở trên website của tổng cục để các cá nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên mạng phát sinh thu nhập tại VN thực hiện đăng ký thuế, cấp mã số, kê khai và nộp qua mạng.

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, cho biết để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, các giao dịch cần phải được thanh toán thông qua các cổng thanh toán trực tuyến do NHNN cấp phép. 

Ông Dũng cũng khuyến nghị Tổng cục Thuế nên sớm xây dựng cơ sở dữ liệu có kết nối với ngành ngân hàng, viễn thông; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để cập nhật kịp thời việc kê khai, nộp thuế nhằm quản lý thuế hiệu quả hơn.

A.V