|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm gì khi mỏ Bạch Hổ cạn dầu?

20:13 | 05/05/2018
Chia sẻ
Viễn cảnh mỏ Bạch Hổ cạn kiệt dầu không còn xa, trong khi giá dầu thế giới vẫn đang mức thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Lời giải nào cho bài toán khó này?
lam gi khi mo bach ho can dau Doanh thu PVN đạt 136.300 tỷ đồng quý I, tăng 15% với cùng kỳ dù tình hình khai thác dầu gặp khó
lam gi khi mo bach ho can dau

Mỏ Rạng Đông trên thềm lục địa Việt Nam - Ảnh: TĐDKVN

Chúng tôi dự báo Bạch Hổ và một số mỏ khác chỉ còn khai thác khoảng 10-20 năm nữa...

TS Hoàng Văn Quý

Hơn 30 năm đã trôi qua, kể từ khi dòng dầu thương mại đầu tiên được lấy lên từ mỏ Bạch Hổ. Nguồn "vàng đen" này đã góp phần rất quan trọng giúp Việt Nam xoay xở được tình thế nghèo đói, thu về ngoại tệ mạnh, khắc phục lạm phát phi mã, ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, viễn cảnh mỏ Bạch Hổ cạn kiệt dầu không còn xa nữa. Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn đang mức thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam.

Có lời giải nào cho bài toán khó này là vấn đề mà Tuổi Trẻ trao đổi với một chuyên gia dầu khí...

* Nhìn lại toàn bộ hành trình phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, nếu tóm tắt một cách ngắn gọn thì ông nói gì?

- PGS.TS Hoàng Văn Quý, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học - thiết kế dầu khí biển: "Thành công lớn nhất, mang tính lịch sử đặc biệt nhất của ngành dầu khí Việt Nam chính là ở mỏ Bạch Hổ. Nó quyết định đến toàn cục thất bại hay phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.

Chính mũi khoan tìm thấy dòng dầu thương mại lớn ở mỏ Bạch Hổ ngày 6-9-1988 đã xóa tan hết đám mây đen u ám của ngành dầu khí Việt Nam.

Đến thời điểm đó có quan điểm gần như thống nhất rằng cứ khoan đến tầng đá móng mà không thấy dầu thì nghĩa là không có dầu, phải ngừng lại để đi tìm chỗ khác...

Chính mũi khoan vào tầng đá móng ở giếng Bạch Hổ - 1 đã xóa tan quan điểm cũ này. Sau đó, tất cả các giếng khoan đều thực hiện như Vietsovpetro ở Bạch Hổ, tức khoan sâu vào móng ít nhất 300m để khai thác dầu.

Hơn 20 mỏ đã thành công như Đông Rồng, Đông Nam Rồng, Rạng Đông, Nam Rồng Đồi Mồi, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Nam Trung Tâm Rồng, Ruby... Và dầu thu được từ đá móng chiếm khoảng 70% tổng sản lượng thu được của toàn ngành dầu khí Việt Nam".

* Các công ty từng khoan thất bại trước đó đánh giá điều này thế nào, thưa ông?

- Họ vừa buồn vừa vui. Buồn vì hàng trăm triệu đôla đã đổ xuống cho các giếng khoan từ thời chính quyền Sài Gòn cũ đến năm 1988.

Vui vì phát hiện mang tính đặc biệt đóng góp lớn cho ngành khai thác dầu khí thế giới.

Dầu tìm thấy được ở tầng đá móng Bạch Hổ đã thay đổi quan điểm dầu sinh ra trong lớp trầm tích hữu cơ ở bên trên.

Các chuyên gia Liên Xô vẫn quả quyết đó là dầu vô cơ sinh ra từ tầng đá móng dưới lòng thềm lục địa.

Còn chúng tôi đến thời điểm này vẫn cho rằng đó là dầu hữu cơ sinh ra từ trầm tích. Nhưng tầng đá móng bên dưới cũng có các khu vực nhô lên cao.

Chính ở các "núi đồi" đá móng này, dầu hữu cơ từ trầm tích chảy vào cấu tạo nứt nẻ. Và chúng tôi khai thác từ đó...

lam gi khi mo bach ho can dau
Ký hợp tác khai thác dầu với Algeria - Ảnh: TĐDKVN

* Ông có thể nói rõ hơn một chút về đá móng ở thềm lục địa Việt Nam?

- Đá móng nứt nẻ bao gồm các khối đá cổ như trầm tích biến chất, đá carbonat, đá macma xâm nhập, được hình thành trước khi tạo thành bể trầm tích ở thềm lục địa. Thân dầu, tức dầu trong khối đá móng nứt nẻ này có dạng khối, thường có kích thước lớn...

Lưu lượng dòng dầu từ các giếng khoan tầng đá móng thường khá cao, có khi đạt tới hàng ngàn thùng, hàng chục ngàn thùng một ngày đêm.

Riêng thân dầu trong khối đá móng mỏ Bạch Hổ có chiều dài khoảng 29km, rộng 6-8km, chiều cao khoảng 1.800m, ranh giới dưới 4.850m, tại khối Đông Bắc ranh giới này đạt tới 4.900m được phân chia thành các khối.

* Trở lại với vấn đề khai thác dầu khí, hiện mỏ Bạch Hổ đã bị sụt giảm và sẽ tiếp tục bị sụt giảm sản lượng?

- Đây là điều rất bình thường. Sau một thời gian khai thác, mỏ dầu sẽ sụt giảm và đi đến cạn kiệt. Chúng tôi dự báo Bạch Hổ và một số mỏ khác chỉ còn khai thác khoảng 10-20 năm nữa...

* Vậy thì ngành dầu khí Việt Nam có giải pháp gì để giải quyết tình trạng cạn kiệt dầu này?

- Giải pháp đầu tiên là đã và đang đi tìm kiếm, khai thác thêm những mỏ mới, nhưng đa phần là mỏ nhỏ, sản lượng dầu không lớn như Bạch Hổ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nỗ lực đẩy mạnh giải pháp này.

Nó còn có ý nghĩa bảo vệ chủ quyền biển và thềm lục địa của chúng ta trong tình hình phức tạp hiện nay.

Giải pháp thứ hai là xuất khẩu nhân - vật lực dầu khí ra nước ngoài. Đội ngũ chuyên môn của Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, được đánh giá khá cao. Chúng ta có thể hợp tác với các nước để khai thác dầu như nhiều công ty quốc tế Mobil, Esso, Shell, BP... đã làm rất hiệu quả.

Hiện nay, ngành dầu khí Việt Nam có hợp tác khai thác với Nga, Algeria và đã có thu nhưng chưa cao. Riêng hợp tác dầu khí với Venezuela thì chúng ta bị thất bại, mất rất nhiều tiền, khoảng 700 triệu USD...

* Tại sao chủ trương "xuất khẩu" ngành thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam ra nước ngoài chưa thể thành công, thưa ông?

- Theo tôi, đó là vấn đề tổ chức. Phải có người chịu trách nhiệm cụ thể trước Nhà nước và pháp luật. Không thể để tình trạng thành công thì nhận lấy về mình, thất bại thì ai cũng né trách nhiệm cả.

Tôi nghĩ Việt Nam cần phải tổ chức lại chương trình đưa nhân - vật lực dầu khí ra nước ngoài. Đây là thế mạnh của chúng ta, hướng tháo gỡ cho sự sụt giảm sản lượng trong nước.

Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh ngành công nghiệp hóa dầu với cơ sở hạ tầng đã được đầu tư khá tốt.

Nhưng làm cái gì cũng phải tính đến trách nhiệm và hiệu quả. Không thể để có tình trạng thua lỗ, sai phạm thì ai cũng chối, cũng đổ thừa...

* Cảm ơn ông!

1 tỉ thùng dầu trong tầng đá phiến

* Gần đây, ngành công nghiệp khai thác dầu khí trong đá phiến của Mỹ đã làm đảo lộn thứ hạng các siêu cường dầu khí thế giới. Cụ thể là giá dầu thế giới sụt giảm, Mỹ không còn cần các mỏ dầu Trung Đông, Nga bị ảnh hưởng nặng nề. Ông nghĩ Việt Nam phải thế nào khi đối diện với vấn đề này?

- Là nhà khoa học, tôi nghĩ chắc chắn Việt Nam phải quan tâm đến dầu khí trong đá phiến. Viễn cảnh các mỏ ở thềm lục địa bị giảm sút, cạn kiệt không còn xa nữa. Nếu không có tầm nhìn xa và chuẩn bị các giải pháp chiến lược, chúng ta sẽ rơi vào khó khăn là không thể tránh khỏi.

Theo khảo sát địa vật lý, ngay ở bể Cửu Long trên thềm lục địa miền Nam có hai trũng trung tâm và Đông Bạch Hổ nhiều khả năng có mỏ dầu khổng lồ lên đến con số tỉ thùng trong tầng đá phiến.

Hiện nay, điều kiện của chúng ta khai thác dầu dưới tầng sâu này là chưa hiệu quả về kinh tế trong bối cảnh giá dầu thế giới đang giảm. Nhưng chúng ta phải nghiên cứu, phải chuẩn bị.

Việc rất cần làm ngay trong chiến lược phát triển dầu khí Việt Nam.

Quốc Việt