Lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng bật tăng trong tháng 8
Trước nhu cầu tín dụng tăng cao, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động trong tháng 8 để bổ sung thanh khoản hệ thống dù mặt bằng lãi suất đã tăng khá mạnh so với hồi đầu năm.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng các nhân cũng như áp dụng thêm đa dạng kỳ hạn gửi hơn so với hồi tháng trước. Cụ thể, lãi suất ngân hàng cũng tăng cao 0,1 - 0,4 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Đối với gói tài lộc, ACB đang triển khai đa dạng kỳ hạn gửi tiết kiệm 1 - 36 tháng, tăng nhiều kỳ hạn so với tháng trước khi chỉ có kỳ hạn gửi 1 - 13 tháng. Ngân hàng cũng triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn như: gói tài lộc lĩnh lãi cuối kỳ, gói “Chọn sống mới, trọn chất tôi” lĩnh lãi cuối kỳ, gói tiết kiệm online lĩnh lãi cuối kỳ, tiền gửi không kỳ hạn.
Một ngân hàng TMCP tư nhân lớn khác là VPBank cũng vừa ra thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm áp dụng từ ngày 1/8. Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, ngân hàng tăng đến 0,4 điểm % lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 6 tháng đến 8 tháng với số tiền gửi dưới 300 triệu đồng.
Đối với khách hàng gửi từ 300 triệu đồng đến dưới 3 tỷ đồng, lãi suất áp dụng tăng khoảng 0,3 điểm % tại các kỳ hạn 6-8 tháng và tăng 0,4 điểm % với các kỳ hạn từ 9-11 tháng. Với các kỳ hạn dài trên 12 tháng, ngân hàng giữ nguyên biểu lãi suất như cũ.
Cũng trong thời gian gần đây, "ông lớn" Vietcombank cũng điều chỉnh tăng từ 0,1 đến 0,2 điểm % lãi suất tiết kiệm sau thời gian dài không tăng lãi suất.
Cụ thể, với các kỳ hạn dài từ 24 tháng – 60 tháng, lãi suất tiền gửi tăng 0,1 điểm % từ 5,3%/năm lên 5,4%/năm. Tương tự với kỳ hạn ngắn hơn như 3 tháng, lãi suất cũng tăng 0,1 điểm % từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm. Đối với các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 12 tháng, Vietcombank điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,2 điểm %.
Lãi suất tiền gửi cũng được điều chỉnh tăng mạnh đối với hình thức gửi trực tuyến (online). Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2 điểm % so với trước, lên 5,8%/năm.
Lý giải về việc mặt bằng lãi suất huy động tăng nóng, chuyên gia của Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh.
Mặt bằng lãi suất huy động dự báo nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối 2022, mức tăng sẽ rơi vào khoảng 0,5 - 1% trong năm nay, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.
Tương tự, CTCP Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 – 0,7 điểm % vào cuối năm 2022 sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Lãi suẩt huy động cả năm được kỳ vọng tăng 1–1,5%.