|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất tăng dần, người dân sẽ bớt rút tiền mua vàng, đầu tư BĐS?

13:25 | 27/08/2024
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm, huy động các ngân hàng tăng thấp so với tín dụng đến từ việc người dân có xu hướng rút tiền gửi đi mua vàng, đầu tư bất động sản và các kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao hơn.

Lãi suất tiền gửi đang tăng dần

Kể từ khi chạm đáy vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trở lại, ghi nhận có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, có một số nhà băng thậm chí nâng lãi suất nhiều lần.

Mức lãi suất trên 6%/năm tạicác kỳ hạn trên 12 tháng đã xuất hiện ở một số ngân hàng cổ phần như HDBank, MSB, SHB, OCB, OceanBank, NCB, SeABank,...

Còn theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 7, lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức5,5 - 6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9 - 7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

 Nguồn: Wichart, số liệu tính đến ngày 26/8

Dữ liệu từ WiChart cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã vượt mức 4,85%/năm, tăng khoảng 0,5 điểm % so với mức đáy hồi tháng 3. Trong khi đó, lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng nhỏ đã vượt 5,17%/năm, tăng hơn 0,65 điểm % so với mức đáy. 

Lãi suất huy động của nhóm Big4 vẫn đang duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, đầu tháng 8,  hai ông lớn trong nhóm Big 4 đã thực hiện tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, sau một thời gian dài duy trì lãi suất thấp. 

Cụ thể, BIDV đã nâng lãi suất tiết kiệm trực tuyến (online), trong đó, kỳ hạn 1 tháng là 2%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 2,3%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 3,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm và nâng kỳ hạn 24 - 36 tháng lên 4,9%/năm.

Trong khi đó, Agribank tăng lãi suất tiền gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn 24 tháng lên 4,8%/năm, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được tăng thêm 0,1 điểm %. Chỉ tính riêng Agribank, đến cuối tháng 6 đang có hơn 1,83 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng thêm khoảng 17.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 0.9% so với cuối năm 2023. 

Nguồn: Báo cáo ngành VPBankS

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chính sách điều hành tiền tệ đi ngược với thế giới của Việt Nam đã tạo áp lực lên lãi suất ngân hàng (tăng), cùng với đó tỷ lệ dư tín dụng/số vốn huy động của ngành đã tăng lên khoảng 133% từ cuối năm 2024, cao nhất kể cả khi trước COVID-19. 

Lãi suất huy động ở nền thấp là động lực giảm chi phí vốn cho các ngân hàng ở nửa đầu 2024 nhưng cũng có dấu hiệu tăng nhẹ ở các kỳ hạn, do áp lực chênh lệch lãi suất USD và VND âm, làm tăng lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá chưa hạ nhiệt, các chuyên gia VPBankS cho hay. 

Chuyên gia kỳ vọng NHNN không tăng lãi suất điều hành trong năm nay và mức tăng lãi suất huy động cũng chỉ ở quanh mức 100 điểm cơ bản từ đáy như hiện nay.

Tăng trưởng huy động kỳ vọng tăng trở lại trong nửa cuối năm

Theo báo cáo VPBankS, tăng trưởng huy động từ đầu năm đến nay đạt 1,5%. Lý giải con số này, các chuyên gia VPBankS cho rằng nguyên nhân huy động tăng thấp so với tín dụng đến từ việc người dân có xu hướng rút tiền gửi đi mua vàng, đầu tư bất động sản và các kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao hơn khi nền lãi suất tiền gửi thấp.

 Nguồn: Báo cáo ngành VPBankS

Trong lịch sử, hầu hết huy động đều thấp hơn tín dụng. Các ngân hàng gần đây có xu hướng huy động từ thị trường liên ngân hàng và theo nhiều kênh khác nhau, bao gồm các hình thức vay hợp vốn nước ngoài; tăng vốn qua bán vốn chiến lược; sử dụng công cụ phát hành giấy tờ có giá, phát hành trái phiếu,… Mỗi ngân hàng đều có chiến lược huy động khác nhau do cơ cấu nguồn vốn khác nhau.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng trở lại giúp cho lượng tiền gửi vào các ngân hàng tiếp tục tăng lên. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ cư dân đạt 7,2 triệu tỷ đồng. Các con số này gián tiếp phản ánh tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư mà nhiều người dân lựa chọn.

Chia sẻ với TTXVN, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động là động thái phù hợp nhằm cân bằng với tỷ suất sinh lời của một vài kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ... để hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân.

Nền lãi suất huy động đang tăng dần trở lại, thị trường vàng đang bị siết chặt, thị trường bất động sản đang ở trong giai đoạn quan sát do luật bất động sản vừa có hiệu lực đi kèm với việc thị trường chứng khoán ảm đạm. Đây có thể sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy người dân đưa tiền nhàn rỗi đầu tư qua hình thức gửi tiết kiệm, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa phục hồi rõ nét. 

Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, lãi suất huy động trong quý III sẽ tăng khoảng 0,3-0,5% và áp lực tăng sẽ tiếp tục trong quý IV, dự kiến cả năm lãi suất sẽ tăng 0,5-1%.

Với đà phục hồi của sản xuất và đầu tư dự báo sẽ tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra nhận định nhu cầu vốn sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo lãi suất huy động 12 tháng có thể tăng nhẹ thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 5,2% - 5,5% vào cuối năm 2024. 

Minh Nguyệt

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.