|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất OMO tăng vọt có đáng lo?

17:12 | 28/07/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc lãi suất OMO tăng lên phản ánh nhu cầu bổ sung thanh khoản hệ thống tại thời điểm hiện tại, không nên quá lo ngại về thanh khoản ngân hàng. Mức lãi suất 3,8% vẫn thấp hơn ngưỡng trước dịch COVID-19.

Ứng biến linh hoạt của chính sách tiền tệ

Lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trên kênh OMO đã có những bước nhảy vọt trong những ngày vừa qua cho thấy áp lực thanh khoản của thị trường đang gia tăng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh ở tất cả kỳ hạn. Ngày 26/7, lãi suất kỳ hạn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng nhảy vọt lên 5%, gấp 10 lần so với mức lãi suất hồi đầu tháng 6 (khoảng 0,5%). Lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng tăng gấp 4 lần so với đầu tháng 6, lên 4,75%.

 Nguồn: NHNN.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng việc lãi suất liên ngân hàng tăng cao trong thời gian qua do ảnh hưởng từ cung cầu. Khi cung giảm mà cầu tăng thì giá cả (ở đây là lãi suất) sẽ tăng lên. Điều này cho thấy rằng thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã chịu áp lực lớn sau khi NHNN tiến hành hút tiền mạnh từ hệ thống qua kênh bán ngoại tệ và phát hành tín phiếu.

Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, trước những căng thẳng kéo dài cho tỷ giá hối đoái, một lượng USD đáng kể được bán ra từ dự trữ ngoại hối, ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD. 

Cũng trong nửa cuối tháng 6, NHNN tái khởi động kênh tín phiếu hút ròng hơn 100.000 tỷ đồng qua kênh này từ thị trường.

Từ cuối tuần trước,NHNN "đảo chiều" trong việc điều hành thị trường khi dừng hút tiền qua kênh tín phiếu (kênh được đẩy mạnh từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7) đồng thời bơm tiền mạnh thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn trong cuối tuần trước.

Kéo theo đó là lãi suất trên kênh OMO cũng tăng mạnh lên 3,9% trong vài phiên gần đây thay vì mức 2,5% được ấn định trong suốt thời gian qua.

Lãi suất OMO tăng vọt có đáng lo?

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho biết bản chất động thái của NHNN là nhằm tránh áp lực về lãi suất trong thời gian vừa qua. 

Trước đó, việc NHNN mở lại kênh tín phiếu là để giảm lượng cung tiền trên thị trường, tránh gây áp lực về lãi suất. Tuy nhiên gần đây, NHNN bơm tiền ra qua kênh OMO trước áp lực thanh khoản hệ thống khi nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu tăng lãi suất huy động. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng cũng tăng cao do đó áp lực thanh khoản hệ thống cũng tăng lên.

 Ông Nguyễn Thế Minh. (Nguồn: Yuanta Việt Nam).

Ngoài ra, lãi suất OMO tăng lên thực ra phản ánh nhu cầu bổ sung thanh khoản hệ thống, buộc các ngân hàng thương mại phải vay trên hệ thống liên ngân hàng và tăng huy động từ bên ngoài khiến lãi suất đầu tăng lên, mục đích cuối cùng là để bổ sung thanh khoản hệ thống.

Trước đó, các ngân hàng dư thanh khoản, dư nguồn tiền nhưng không thể cho vay được. Nhưng trong bối cảnh hiện tại khi nhu cầu tín dụng tăng cao, các ngân hàng buộc phải bổ sung thanh khoản cho hệ thống của mình, ông Minh cho hay.

Chia sẻ trên chương trình "Bí mật dòng tiền" mới đây, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI, cho rằng không nên quá lo ngại về hệ thống thanh khoản ngân hàng gần đây vì đây chỉ mang tính chất cục bộ nên sẽ không ảnh hưởng quá dài ở thời điểm này. Chưa kể mức tăng lãi suất OMO lên 3,9% dù tăng khá mạnh so với mốc 2,5% nhưng chỉ mới xấp xỉ con số 4% thời kỳ trước đại dịch.

Hay trong báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng NHNN đang hành động rất linh hoạt, khi vừa phải kiểm soát được lạm phát, vừa phải bình ổn được lãi suất, lại vừa linh hoạt điều hành tỷ giá trong bối cảnh bên ngoài còn nhiều bất ổn. 

Bên cạnh đó, việc lãi suất có xu hướng tăng nhẹ cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa tăng trưởng huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng. Đây là điều rất tích cực giúp ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn. 

Phương Nga