|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất đã thực sự đảo chiều đi lên

07:22 | 08/03/2017
Chia sẻ
Mặc dù trong thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước luôn khuyến khích và đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp… nhưng thị trường dường như đang đi ngược lại các ý muốn này.

Đầu tiên phải khẳng định rằng mặt bằng lãi suất đã liên tục giảm từ năm 2011 đến năm 2015 và tốc độ giảm khá nhanh, thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay bình quân 16%-17% năm 2011 xuống mức 8%-9% năm 2015. Tuy nhiên vào năm 2016, lãi suất đã chạm đáy và đảo chiều đi lên.

Tác giả đã thu thập số liệu từ các báo cáo tài chính của các ngân hàng, tính toán lãi suất bình quân thực tế mà các ngân hàng đã thực hiện, thu được kết quả được thể hiện như trong các biểu đồ dưới đây:

Diễn biến lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước:

Diễn biến lãi suất của một số ngân hàng thương mại tư nhân:

Ở nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước: Lãi suất huy động của Vietinbank đã tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2015, của BIDV đã tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2015, ở Vietcombank thì tăng nhẹ. Lãi suất cho vay tăng mạnh hơn cả lãi suất huy động, ở Vietinbank tăng 0,5 điểm phần trăm trong khi BIDV tăng 0,3 điểm phần trăm.

Ở nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân: cả ACB, Sacombank, Eximbank đều tăng mạnh hơn nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt là ở lãi suất huy động. (Sacombank tăng 0,6 điểm phần trăm, Eximbank tăng 0,5 điểm phần trăm huy động).

Mặc dù nền kinh tế năm 2017 có nhiều động lực tăng trưởng hơn trong năm 2016 như khu vực nông lâm thủy sản phục hồi khi hiện tượng El Nino yếu đi, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thành công bước đầu từ tái cơ cấu nền kinh tế như việc thoái vốn DNNN, hội nhập sâu rộng… Nhưng lạm phát sẽ tiếp tục đà tăng của năm 2016, đồng thời lãi suất tăng lên sẽ khiến chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng lên, là sức ép lên quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Lãi suất là giá cả của thị trường tiền tệ, người viết không cho rằng can thiệp trực tiếp vào lãi suất bằng mệnh lệnh hành chính là giải pháp tốt mà khuyến nghị cơ quan quản lý thay vì tác động quy luật giá cả thị trường thì nên phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ, tài khóa để điều tiết thị trường

Ths. Nguyễn Văn Thông