|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lai Châu hỗ trợ tài chính và đào tạo canh tác cây mắc ca

22:19 | 28/05/2017
Chia sẻ
Tỉnh Lai Châu phối hợp với ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Hiệp hội cây mắc ca Việt Nam tư vấn cho vay và đào tạo canh tác cây mắc ca cho nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh.
lai chau ho tro tai chinh va dao tao canh tac cay mac ca
Lai Châu hỗ trợ tài chính và đào tạo canh tác cây mắc ca. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Ngày 28/5, tại tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Hiệp Hội cây mắc ca Việt Nam tổ chức hội thảo tư vấn cho vay và đào tạo canh tác cây mắc ca.

Tại hội thảo, các đại biểu là nông dân, chủ doanh nghiệp được thông tin về thực trạng và khả năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, ở Lai Châu, cây mắc ca được trồng từ năm 2011 theo phương thức trồng thuần và trồng xen vào nương chè.

Đến năm 2016, tỉnh có khoảng trên 244 ha mắc ca với các cơ cấu giống gồm: dòng OC, 816, 246...và tập trung chủ yếu tại các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ và Nậm Nhùn.

Đến nay, có khoảng 100 ha mắc ca đã cho thu hoạch quả; năng suất 2,5 - 3,5kg quả tươi/cây/năm. Sản lượng đạt 800kg quả tươi/ha với giá bán năm 2016 là 80.000 đồng/kg.

Chi phí để đầu tư từ khi trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch 1 ha cây mắc ca tại tỉnh Lai Châu khoảng 77 triệu đồng/ha/4 năm. Thu nhập bình quân lãi khoảng 48 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam chia sẻ, mắc ca là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Thị trường mắc ca trong nước và trên thế giới là rất lớn. Ở Lai Châu, loại cây này có thể trồng xen với cây chè, sả và có thể trồng ở đất quy hoạch trồng cây cao su có độ cao trên 600m nhưng không trồng cây cao su.

Để đạt được hiệu quả cao, người dân cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn giống phù hợp, giống có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở cung ứng giống được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, đảm bảo năng suất và chất lượng.

Định hướng của tỉnh Lai Châu đến năm 2020 sẽ phát triển 5.000 ha mắc ca và đến năm 2030 là 10.000 ha. Ngân sách hỗ trợ trồng mắc ca khoảng 110 tỷ đồng và sẽ trồng tại huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong thổ, Sìn Hồ và Mường Tè.

Để khuyến khích đầu tư, tỉnh Lai Châu đã có những chính sách hỗ trợ ưu đãi về đất đai, sản xuất giống… Các đối tượng được hỗ trợ là các cơ sở sản xuất giống, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho hay, về cơ chế hỗ trợ, đối với trồng xen nương chè (mật độ 100 cây/ha) được hỗ trợ 6 triệu/ha/hộ; trồng xen và thay thế cây sả (330 cây/ha) mức hỗ trợ 20 triệu/ha; hộ trồng thuần từ 1 - 50 ha hỗ trợ 10 triệu/ha; doanh nghiệp trồng từ 300 cây/ha, quy mô 50ha trở lên hỗ trợ 15 triệu đồng/ha.

Tỉnh Lai Châu cũng tạo điều kiện thuê đất, miễn giảm tiền thuê đất... để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm mắc ca trên địa bàn.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến trao đổi xoay quanh các vấn đề về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch mắc ca; định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh; cam kết cho vay vốn phát triển mắc ca; gói tiện ích cho vay phát triển cây mắc ca của Ngân hàng bưu điện Liên Việt...đã được các chuyên gia tháo gỡ, giải đáp.

Cây mắc ca là cây lâm nghiệp được du nhập vào Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây. Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng rất tốt, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn. Trên thế giới có khoảng 80.000 ha, riêng ở Việt Nam trồng khoảng 10.000 ha, trong đó có 1.500 ha đã cho thu hoạch.

Quang Duy