|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Là hàng rào chống lạm phát, vì sao bitcoin giảm giá khi lạm phát tăng?

08:06 | 13/12/2021
Chia sẻ
Được coi là hàng rào chống lạm phát nhưng khi lạm phát tăng thì giá bitcoin lại giảm mạnh, điều này khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về giá trị thực của bitcoin.

Với những đánh giá trước đây, đồng tiền ảo màu cam bitcoin với đặc điểm nguồn cung cố định luôn được coi là một loại tài sản lưu trữ an toàn. Thế nhưng, có vẻ như thực tế đã thay đổi. 

Theo phân tích của Coindesk, xu hướng giảm giá của bitcoin trong những ngày này đã khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về quan điểm coi bitcoin là tài sản lưu trữ, chống lại lạm phát.

Bitcoin giảm giá khi lạm phát tại Mỹ cao kỷ lục

Số liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố gần đây về Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) theo dõi lạm phát, cho thấy mức lạm phát của nước này đã đạt mức 6,8% hàng năm. 

Đây cũng là tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất trong suốt 39 năm qua ở Mỹ (từ năm 1982). Trong mối tương quan thì lạm phát như hiện tại có thể chịu ảnh hưởng và có tác động đến gói chi tiêu xã hội được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt.

Là hàng rào chống lạm phát, vì sao bitcoin giảm giá khi lạm phát tăng? - Ảnh 1.

Bitcoin đã giảm giá 25% trong 30 ngày qua. (Nguồn: Coingape)

Vậy tình hình thị trường tài sản thì sao? Phố Wall đã định giá lạm phát 6,7% (chênh không đáng kể), vì vậy chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã khá ổn định cho đến thời điểm này. 

Vàng đã chứng kiến một mức tăng khiêm tốn nhưng đáng chú ý vào buổi sáng ngày 10/12, thời điểm Cục Thống kê Lao động công bố số liệu. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn đã chứng kiến một đợt tăng giá khá mạnh nhưng ổn định trong suốt 6 tháng qua khi lo ngại lạm phát liên tục tăng lên và có khả năng sẽ kéo dài.

Ngược lại, bitcoin vẫn đang biến động, chủ yếu là giảm giá, chật vật chưa qua được mức 50.000 USD. Thực tế, tài sản tiền điện tử này đã giảm mạnh tới hơn 25% trong 30 ngày qua. 

Điều đó mâu thuẫn với một trong những quan điểm, nhận định phổ biến nhất về bitcoin rằng đồng tiền ào này là một "hàng rào chống lạm phát", một khoản đầu tư xứng đáng để mọi người chi tiền khi mà tiền tệ pháp định ngày một mất giá trong thế giới thực.  

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là tại sao bitcoin không tăng giá khi lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới chạm mức cao nhất trong 40 năm?

Bitcoin có thực sự là hàng rào chống lạm phát?

Lời giải thích được đưa ra hợp lý nhất là ý tưởng cho rằng bitcoin là hàng rào lạm phát hoàn toàn là suy đoán. Điều đó thật hấp dẫn và nó có thể trở thành sự thật trong tương lai, cũng đáng được coi là lý do hợp lý cho những ai muốn đầu tư bitcoin từ lúc này. Tuy nhiên, nó không phải một cơ chế hoàn hảo, đã được chứng thực trong thời điểm hiện tại.

Việc xem bitcoin là hàng rào chống lạm phát có vẻ rất hợp lý về mặt cấu trúc với điều kiện bitcoin tiếp tục được ủng hộ và phát triển. Nếu có đủ các công ty, nền kinh tế và cá nhân chuyển nhiều tài sản của họ vào bitcoin, giá của đồng tiền ảo này sẽ trở nên ổn định hơn, dẫn đến việc chính sách phát hành bitcoin cũng chặt chẽ hơn. 

Khi đạt đến mức độ như vậy, tính ổn định tăng thì rõ ràng bitcoin sẽ càng thu hút, rủi ro giảm đi đáng kể dù lạm phát có tăng bao nhiêu chăng nữa.

Là hàng rào chống lạm phát, vì sao bitcoin giảm giá khi lạm phát tăng? - Ảnh 2.

Có vẻ như không có mối quan hệ thực tế nào giữa tỷ lệ lạm phát và giá bitcoin. (Nguồn: Coindesk).

Đó cũng là tư tưởng khiến nhiều người mua vàng tích lũy và không lạ khi những người có niềm tin vào bitcoin cũng coi bitcoin là "vàng kỹ thuật số". Ông Nic Carter, nhà đầu tư và tác giả của CoinDesk gần đây đã chỉ ra rằng nếu bitcoin được chấp nhận tương tự như vàng, điều đó có nghĩa là giá của nó sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện tại. Đó dường như là một viễn cảnh tương lai khá lý tưởng nhưng còn lâu mới đạt được.

Nhìn lại hiện tại, giá bitcoin không ổn định vì một số lý do không liên quan trực tiếp đến lạm phát và nếu các động thái giá gần đây thực sự được xem là một dấu hiệu thì rõ ràng, động lực đó vẫn mạnh hơn đáng kể so với câu chuyện về "vàng kỹ thuật số".

Đầu tiên và quan trọng nhất, bitcoin đã trải qua một đợt tăng giá kéo dài gần 2 năm qua. Toán học đơn giản về sự đảo ngược giá trị trung bình và/hoặc lực hấp dẫn về mặt cảm xúc của việc chốt lời đã khiến cho sự sụt giảm giá là không thể tránh khỏi. 

Điều đó đặc biệt đúng vì bitcoin rõ ràng vẫn là một tài sản đầu cơ - tổng giá trị hiện tại của nó là 1 nghìn tỷ USD. Bất kỳ tài sản đầu cơ nào cũng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn. 

Ngay cả cổ phiếu Tesla - hiện đang đặt cược phần lớn vào việc Elon Musk phát minh ra trí tuệ nhân tạo nói chung cũng đã giảm giá với tỷ lệ gần bằng bitcoin trong 30 ngày qua.

Điều đó cho thấy sự lo lắng về sức mạnh của nền kinh tế thực - phần lớn tập trung bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt là ở Trung Quốc - đang bắt đầu cho thấy những dấu hiệu của một sự suy thoái tiềm tàng và gây nguy cơ nghiêm trọng trên toàn cầu. Nợ và các hình thức đòn bẩy khác (thậm chí không bao gồm đòn bẩy được chôn vào giá cổ phiếu) về cơ bản ở mức kỷ lục ở khắp mọi nơi.

Vì vậy, mọi yếu tố trong nền kinh tế thế giới hiện đang rất lộn xộn và có thể đi theo nhiều hướng khác nhau mà không cần thông báo trước. Một cú sốc giảm giá lớn sẽ đánh bay nhiều luồng gió đối với tất cả các tài sản định hướng tương lai.

Liên quan đến luận điểm hàng rào chống lạm phát của bitcoin, kịch bản chứng minh sự thật bất tiện nhất của kinh tế và tài chính, đó là rất khó để chứng minh dứt điểm lý do tại sao khi xu hướng giá xảy ra. Hầu như không bao giờ có cơ hội cho "thử nghiệm được kiểm soát", một tình huống mà chỉ một biến số thay đổi tại một thời điểm, cho phép quan sát đầy đủ tác động cụ thể của nó. 

Cách rõ ràng nhất để thực sự khẳng định vai trò phòng ngừa lạm phát của bitcoin là khi không có gì khác ngoài lạm phát đang diễn ra. Chắc chắn đó cũng không phải là tình huống mà chúng ta sẽ thấy trong thế giới thực.

Thu Phương

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.