Kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ vượt 7%
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ khép lại năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định: Với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành và cường độ thực hiện vào tháng cuối cùng, tăng trưởng GDP năm 2024 không những có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng 7% mà có thể đạt mức cao hơn mục tiêu Quốc hội giao.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu không có gì khác là tăng tốc tất cả giải pháp đã đề ra từ đầu năm đến nay. Từ các nghị quyết, chỉ đạo liên ngành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện nốt trong tháng cuối cùng với cường độ, mức độ cao nhất có thể để về đích một cách tốt nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 đều tăng so với dự báo hồi đầu năm hay giữa năm.
Đây là nhận xét khách quan của các tổ chức quốc tế. Kịch bản điều hành kinh tế - xã hội Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ vào quý III/2024 cho thấy, trong quý cuối năm 2024, nếu không có những biến động lớn xảy ra, như bão, lũ hay những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta có cơ sở để đạt được mức tăng trưởng 7% năm 2024.
“Rà soát lại tất cả động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm, chúng ta thấy có cơ hội để gia tăng thêm phần tăng trưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Thứ nhất các đơn hàng không những quay trở lại với doanh nghiệp trong năm 2024 mà đến nay, sự gia tăng của xuất khẩu đang ở mức rất tốt và có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn.
Tiếp theo về đầu tư, các nhà đầu tư và các chuyên gia nước ngoài đều đánh giá khi thị trường đầu tư trên thế giới ảm đạm, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có xu hướng tốt. Động lực từ thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 rất tích cực, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả năm. Bên cạnh đó, những tháng gần đây số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gia tăng trở lại. Qua đó, có thể thấy niềm tin và triển vọng kinh tế, cũng như điều hành kinh tế của Chính phủ, của doanh nghiệp và nhà đầu tư không những phục hồi mà còn gia tăng.
Cuối cùng, là động lực tiêu dùng, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong tiêu dùng hàng hóa của thị trường trong nước có dấu hiệu tích cực nhưng phần tăng chưa đạt kỳ vọng. “Vào thời điểm cuối năm có những ngành, hàng quan trọng của nước ta có thể tác động đến gia tăng tiêu dùng trong nước. Do đó, có thể tận dụng cơ hội chi tiêu của người dân vào thời điểm lễ Noel, dịp Tết dương lịch”, Thứ trưởng Phương hy vọng.
Bà Nguyễn Diệu Huyền, Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết: Một tín hiệu vui nữa đó là việc Fed hạ lãi suất có thể mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và GDP tăng trưởng tốt hơn, song sẽ có độ trễ nhất định.
“Năm 2024 được kỳ vọng là một năm tăng trưởng ổn định, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Sang năm 2025, nếu Fed tiếp tục lộ trình chính sách nới lỏng tiền tệ cùng các điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt”, bà Diệu Huyền cho hay.
Là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao. năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên ước đạt 8,17%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7,5-8%). Chia sẻ kinh nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Trong năm 2024, tỉnh đã luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư, lắng nghe, trân trọng ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các hiệp hội đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng của các nhà đầu tư…
Cùng với đó, Hưng Yên cũng đã nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đến Phố Nối (tỉnh Hưng Yên), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, để đáp ứng tăng trưởng kinh tế hai con số trong những thập kỷ tới, tăng trưởng điện sẽ còn cao hơn nữa, bởi một điểm phần trăm tăng trưởng GDP cần khoảng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng điện. Do đó, ngành điện phải có những đột phá, những công trình thế kỷ, những dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái và dứt khoát không để thiếu điện.
Về mục tiêu kế hoạch năm 2025, Thứ tưởng Trần Quốc Phương cho biết: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh - tế xã hội năm 2025; trong đó, đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%. Các bộ, ngành, địa phương cố gắng phấn đấu để đạt 7-7,5%. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, đặt mục tiêu 8% trong năm 2025.
Chia sẻ về mục tiêu GDP tăng trưởng 8% năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là mục tiêu có cơ sở, bởi sự tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2024 có thể dẫn thêm vào năm 2025, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Đồng thời, có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều luật được thông qua.
“Sự thay đổi lớn trong các luật này là tư duy đột phá, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tư tưởng lớn của các luật là tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc. Các luật này sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm 2025, điểm rơi có thể kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc đóng góp phần lớn cho tăng trưởng từ năm 2025”, Thứ trưởng Phương cho hay.
Với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phấn đấu mức tăng trưởng GDP 8%. Đây cũng là bước để chuẩn bị sẵn sàng như Tổng Bí thư đã nêu: Chúng ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tốc độ tăng trưởng phải cao hơn nữa chúng ta mới đạt được mục tiêu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao trên thế giới và có nền công nghiệp hiện đại.