|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỷ nguyên rác thải: Đào vàng từ bãi rác sinh lời gấp 100 lần từ lòng đất

12:33 | 02/11/2021
Chia sẻ
70 năm trước, chúng ta hầu như không vứt bỏ thứ gì. Ngày nay khai thác vàng từ bãi rác điện tử sinh lợi gấp 100 lần so với khai thác từ lòng đất. Văn hóa dùng một lần đã trở thành động cơ của kinh tế toàn cầu.
Kỷ nguyên rác thải: Đào vàng từ bãi rác sinh lời gấp 100 lần từ lòng đất - Ảnh 1.

Một cơ sở phân loại và tái chế ở Bỉ. Tách vàng từ núi đồ điện tử vứt đi này sẽ thu được lượng vàng gấp 100 lần xử lý từ quặng. (Ảnh: Rudi Van Beek/Recupel).

Thế hệ tương lai sẽ nhớ gì về ngày nay? Sau thời đại đồ đá, đồ đồng, thời hoàng kim của động cơ hơi nước và kỷ nguyên thông tin, vật liệu hay phát minh nào sẽ là biểu tượng cho thời nay? Theo triển lãm Waste Age tại Bảo tàng Thiết Kế ở London, dấu ấn phổ biến nhất của thời đại hiện nay không phải là một vật liệu hay công nghệ đột phá, mà là rác thải.

Hai nhà giám tuyển nghệ thuật Justin McGuirk và Gemma Curtin đã dành ba năm lùng sục các bãi rác để xây dựng nên cuộc triển lãm này. Ông McGuirk khẳng định: "Có thể nói không ngoa rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên rác thải. Sản xuất chất thải hoàn toàn là trọng tâm trong lối sống của chúng ta, một phần cơ bản của cách nền kinh tế toàn cầu vận hành. Chúng tôi muốn thể hiện thiết kế gắn liền thế nào với vấn đề rác thải - và thiết kế cũng là bước tốt nhất để giải quyết vấn đề".

Buổi triển lãm bắt đầu với lời nhắc nhở rằng thế giới không vô tình mà tiến vào kỷ nguyên rác thải. Bản chất con người không phải sinh vật lãng phí. Văn hóa dùng một lần là điều con người phải học, văn hóa này là lựa chọn lối sống được quảng bá từ giữa thế kỷ 20 sau thời kỳ kham khổ của chiến tranh. Văn hóa này là sự đối lập có chủ đích của phương châm "giữ lại đồ lâu nhất có thể bằng cách sửa chữa"

Một quảng cáo từ những năm 1960 ca ngợi sự kỳ diệu của chiếc cốc xốp polystyrene: "Mới ra mắt và cực kỳ được yêu thích: Cái "ly" trong bữa tiệc mà bạn vừa thưởng thức… và vứt nó đi".

Quảng cáo này được treo cạnh một chiếc túi nhựa từ những năm 1980, được in với những dòng mô tả về ưu điểm so với túi giấy. Vào thời điểm đó ít ai mường tượng được rằng 4 thập kỷ sau, thế giới sẽ tiêu thụ hơn một triệu túi nhựa mỗi phút.

Kỷ nguyên rác thải: Đào vàng từ bãi rác sinh lời gấp 100 lần từ lòng đất - Ảnh 2.

Tái chế và tái sử dụng. Một kiện quần jean cũ đang chờ được tái chế thành Circulose, chất liệu mới được làm từ cotton. (Ảnh: Alexander Donka/Renewcell)

Hai nhà giám tuyển McGuirk và Curtin lập luận rằng tạo ra chất thải từ lâu đã là động cơ chính của nền kinh tế. Lịch sử của bóng đèn là minh chứng tiêu biểu. Trong những năm 1920, bóng đèn có tuổi thọ cao đến mức chúng được coi là không thể sống sót về mặt thương mại.

General Electric, Philips và các công ty khác đã thành lập liên minh Phoebus vào năm 1924 để tiêu chuẩn hóa tuổi thọ kỳ vọng của bóng đèn là 1.000 giờ - giảm mạnh từ mức trước đó là 2.500 giờ. Sự lỗi thời có tính toán ra đời.

Gần một thế kỷ sau, các hành động tương tự vẫn tiếp diễn: Năm ngoái Apple đồng ý nộp 500 triệu USD sau khi bị cáo buộc cố tình làm chậm lại các mẫu điện thoại đời cũ để khuyến khích khách hàng mua những chiếc iPhone mới nhất.

Kỷ nguyên rác thải: Đào vàng từ bãi rác sinh lời gấp 100 lần từ lòng đất - Ảnh 3.

Tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Ibrahim Mahama làm từ rác thải điện tử ở Ghana. (Ảnh: Waste Age).

Tác phẩm ấn tượng bởi nghệ sĩ Ibrahim Mahama cho thấy đồ điện tử hỏng hóc sẽ kết thúc như thế nào. Ông đã dựng một bức tường khổng lồ đầy những màn hình TV cũ phát các đoạn phim từ Agbogbloshie ở Ghana, bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới trong nhiều năm.

Những lao động không chính thức ở đây đốt cáp điện tử để lấy dây đồng và các kim loại quý khác. Ông Mahamas đã thuê họ đúc số kim loại này làm khung TV, còn TV trình chiếu đoạn phim cho thấy toàn bộ quá trình độc hại đến đâu. Hình ảnh trình chiếu toát lên sự tuyệt vọng, nhưng thông điệp rất rõ ràng: chất thải là vật quý giá.

Kỷ nguyên rác thải: Đào vàng từ bãi rác sinh lời gấp 100 lần từ lòng đất - Ảnh 4.

Adam Nasara, sử dụng Styropor, một vật liệu cách nhiệt từ tủ lạnh, để đốt các thiết bị điện tử bị vứt ở bãi rác Agbogbloshie. (Ảnh: The Guardian).

Khoảng 7% nguồn cung vàng của thế giới bị mắc kẹt bên trong các thiết bị điện tử. Theo một số ước tính, điều này có nghĩa là đến 2080, trữ lượng kim loại lớn nhất sẽ không ở dưới lòng đất mà được lưu thông dưới dạng các sản phẩm hiện hành.

1 tấn quặng vàng qua xử lý thu được 3 g vàng, trong khi đó tái chế một tấn điện thoại thu được 300 g vàng. Do đó các bãi rác và bãi chôn lấp là những mỏ kim loại mới giàu tài nguyên.

Ông Mc Guirk nhận định: ""Chất thải" là cách phân loại sai lầm. Thường thì chúng là vật liệu hoàn toàn tốt nhưng lại bị định giá thấp".

Phần cuối cùng của cuộc triển lãm mường tượng ra thế giới "hậu chất thải", nơi vật liệu được phát triển thay vì chiết xuất.

Triển lãm bao gồm một loạt các phát minh đáng kinh ngạc, từ bảng mạch điện tử chế tạo từ sợi tự nhiên có thể hòa tan trong nước;đến "đá biển", vật liệu giống như bê tông được làm từ vỏ sò nghiền nát. Bên cạnh đó là những đồ được làm từ tảo, vỏ ngô và các loại bột hữu cơ.

Máy tính xách tay "hữu cơ" trong tương lai của bạn có thể không bị quá nhiệt, chạy chậm hoặc cần thay pin liên tục. Thay vào đó, nó có thể bị mốc.

Giang

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.