|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỷ lục mà lo

09:02 | 09/01/2017
Chia sẻ
Xu hướng gia tăng bảo hộ nông sản trên toàn cầu, động thái mạnh tay đầu tư cho nông nghiệp của nhiều quốc gia, biến đổi khí hậu ngày càng khó đoán… đang khiến nông nghiệp Việt Nam dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, cho dù xuất khẩu nông sản đạt mức kỷ lục trong năm vừa qua.
ky luc ma lo

Biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên với mức độ thiệt hại ngày càng cao

Có thể nói, chưa năm nào, ngành nông nghiệp lại có nhiều “lần đầu tiên” và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khó quên như năm 2016. Đó là lần đầu tiên, trong vòng 10 năm trở lại đây, nông nghiệp - vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế - tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm. Đó còn là lần đầu tiên trong lịch sử, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với những thảm họa môi trường khốc liệt nhất.

Năm 2016 là năm kỷ lục về thiên tai. Đầu năm là trận rét lịch sử 50 năm. Tiếp đó là hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, là đợt hạn, mặn lịch sử 100 năm khiến 10/13 tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long phải công bố thảm họa thiên tai. Cuối năm là đợt lũ với lượng mưa lớn chưa từng có liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh phía Nam. Thiệt hại do thiên tai gây ra năm qua lớn gấp 3 lần so với các năm trước.

Thế nhưng, năm 2016 cũng là năm ghi nhận nông nghiệp phục hồi ngoạn mục, đặc biệt là xuất khẩu nông sản lần đầu tiên vượt mức 32 tỷ USD - mức cao chưa từng có trong lịch sự phát triển ngành. Dẫu vậy, kỳ tích bất ngờ này cũng không thể khiến ngành nông nghiệp lạc quan trong năm 2017, bởi có quá nhiều thách thức đang đặt ra, nhất là khi thu từ xuất khẩu hiện chiếm trên 50% tổng giá trị nông sản của nước ta.

Thứ nhất, kết quả bầu cử Tổng thống tại Mỹ và một số nước châu Âu cho thấy, xu hướng bảo hộ nông sản trong nước đang nổi lên. Đây cũng là xu hướng tại Trung Quốc - thị trường lớn nằm ngay cạnh Việt Nam.

Thứ hai, các nước đối thủ trong khu vực đang đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, khiến nguy cơ tụt hậu của nông nghiệp Việt Nam là rất lớn. Đơn cử, Trung Quốc mới đây công bố sẽ chi 450 tỷ USD cho hiện đại hóa nông nghiệp; Thái Lan cấp khoản vay 1 tỷ USD cho riêng nông dân trồng lúa, còn Myanmar cũng đang nỗ lực thay đổi toàn diện sản xuất nông nghiệp…

Thứ ba, biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp và khó đoán hơn bao giờ hết. Thực tế năm 2016 đã cho thấy sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu với những trận mưa lịch sử, hạn lịch sử, mặn lịch sử, lũ lịch sử. Đó còn là lần đầu tiên, thời tiết tại TP.HCM trở lạnh, lần đầu tiên mùa đông tại miền Bắc ấm bất thường…Những kịch bản này hoàn toàn có thể lặp lại, thậm chí còn khắc nghiệt hơn, khiến sản xuất có thể bị đình đốn, nguy hiểm hơn là khiến dịch bệnh bùng phát.

Thứ tư, nền sản xuất trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu.

Trước những khó khăn này, ngành nông nghiệp phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 2,5 - 2,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu 32,5 - 32,8 tỷ USD... Như vậy, để phát triển bền vững, nông nghiệp Việt Nam sẽ phải tổ chức lại mô hình sản xuất của hộ nông dân, hình thành được chuỗi sản phẩm, vùng nông nghiệp tập trung, có quy mô hàng hóa nhất định. Song muốn tổ chức lại sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư, trước hết phải tháo gỡ bài toán đất đai, đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất, bỡi sẽ rất khó xây dựng một nền nông nghiệp quy mô với 13,8 triệu nông dân và 78 miếng ruộng như hiện nay. Bên cạnh đó, phải tập trung nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp dựa vào sản phẩm lợi thế, phù hợp với biến đổi khí hậu và hội nhập.

Cuộc đổi ngôi ngoạn mục trong xuất khẩu lúa gạo và trái cây năm 2016 vừa qua (xuất khẩu trái cây vọt tăng vọt từ 1,9 lên 2,4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo giảm từ 2,4 tỷ USD xuống 1,9 tỷ USD) cho thấy, tái cơ cấu vừa là áp lực, vừa là cơ hội đối với ngành nông nghiệp. Nếu chuyển hướng đúng, phù hợp với nhu cầu thị trường, thì nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng gia tăng được giá trị nông sản, hội nhập thành công cùng xu thế chung của khu vực và thế giới.

Hà Tâm