|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kỳ lân fintech của cựu lãnh đạo Netflix mở rộng sang thị trường châu Á

09:00 | 24/10/2022
Chia sẻ
Nhu cầu thanh toán tại châu Á đang tăng lên, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp fintech như Ant Group, Stripe hay mới nhất là kỳ lân fintech có trụ sở tại Hà Lan của cựu lãnh đạo Netflix.

Theo CEO Kamran Zaki của Adyen, công ty thanh toán có trụ sở tại Amsterdam, Hàn Lan, đang có kế hoạch tăng số lượng nhân viên, từ kỹ sư phần mềm đến nhân viên bán hàng, cũng như trong quá trình xin các giấy phép tài chính cần thiết, để tìm cách đa dạng hóa doanh thu tại thị trường châu Á, khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, theo Asia Nikkei.

"Trong những năm qua, chúng tôi đã mở rộng ra nhiều thị trường với các đội nhóm địa phương. Châu Á đang và sẽ tiếp tục là một khoản đầu tư đáng kể đối với chúng tôi", ông Zaki chia sẻ. Trên toàn cầu, ông nhận định rằng các giao dịch "đang có xu hướng bình thường hóa, song chúng tôi vẫn đang phát triển nhanh chóng”.

Kỳ lân Adyen của Hà Lan đang tìm cách mở rộng ra nhiều thị trường tại châu Á sau khi đã có chi nhánh ở một số quốc gia Đông Nam Á. (Ảnh: Asia Nikkei).

Được thành lập vào năm 2006, Adyen bắt đầu như một dịch vụ cổng thanh toán, cho phép các trang thương mại điện tử và nhà khai thác ứng dụng kết nối với nhiều phương thức thanh toán khác nhau, chẳng hạn như thẻ tín dụng, ngân hàng trực tuyến và ví kỹ thuật số.

Công ty được niêm yết tại Euronext Amsterdam, chuyên xử lý các giao dịch cho các khách hàng như Uber Technologies và Amazon, đã xử lý các giao dịch trị giá 516 tỷ euro (720 tỷ USD) trên toàn cầu trong năm 2021, với sự đóng góp từ các thị trường ngoài châu Âu, bao gồm cả châu Á-Thái Bình Dương.

Trong nửa đầu năm nay, thị trường châu Á - Thái Bình Dương đóng góp 11% vào doanh thu thuần của công ty, trở thành thị trường lớn thứ ba sau châu Âu, với 57% và Bắc Mỹ, với 25%. Châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất, ở mức 53%.

Zaki, cựu Giám đốc thanh toán toàn cầu của công ty phát trực tuyến Netflix, nói rằng với việc tuyển dụng và đầu tư nhiều hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, công ty hy vọng đóng góp doanh thu từ các thị trường ngoài châu Âu trong 5 năm tới sẽ "vượt qua ngưỡng 50% và tiếp tục đi lên". Tại châu Á, Adyen hiện đã mở rộng ra 8 thành phố ở các quốc gia khác nhau, bao gồm Singapore, Hong Kong, Mumbai, Tokyo và Kuala Lumpur.

Để bắt kịp đà tăng trưởng đó, Adyen đặt mục tiêu lấp đầy 350 vị trí trên toàn cầu, với khoảng 10% việc tuyển dụng diễn ra ở các thị trường trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. "Bất chấp những lo ngại về nền kinh tế bất ổn trên toàn cầu hiện nay, chúng tôi đang trong một cuộc chơi dài hạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thuê thêm nhân sự và tăng cường đầu tư", Zaki nói.

Ví dụ, ở Ấn Độ, công ty đã và đang đầu tư nhiều hơn để thích ứng với các quy định của địa phương và các yêu cầu kinh doanh khác nhau. Ông Zaki cho biết: “Chúng tôi đang đưa các trung tâm dữ liệu của mình vào và đã nộp đơn xin các giấy phép theo quy định tại Ấn Độ”.

Châu Á, mảnh đất "màu mỡ" cho các doanh nghiệp fintech

Adyen tập trung vào châu Á khi nhu cầu thanh toán trong khu vực mở rộng nhờ việc đẩy nhanh quá trình số hóa. Một số cái tên lớn đang dẫn đầu khu vực có thể kể tới như Ant Group, chi nhánh fintech của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba Group Holding, cũng như một số công ty tới từ phương Tây như Stripe.

Adyen đã mở rộng các dịch vụ của mình, có được giấy phép ngân hàng, cho phép công ty xử lý các khoản thanh toán cho người bán gần như ngay lập tức, thay vì dựa vào các đối tác ngân hàng để xử lý các khoản thanh toán trong vài ngày.

Đối với các doanh nghiệp, dịch vụ của Adyen loại bỏ những rắc rối khi thiết lập hệ thống thanh toán ở mỗi quốc gia, giúp họ hoạt động ở nhiều thị trường và xử lý các giao dịch xuyên biên giới dễ dàng hơn. Adyen cũng cung cấp xác thực danh tính, quản lý rủi ro, phát hành thẻ tín dụng và cung cấp thiết bị đầu cuối điểm bán hàng để thanh toán trực tiếp.

Trong khi các công ty thanh toán mới hơn như Stripe chủ yếu phục vụ cho các startup và doanh nghiệp nhỏ, Adyen chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn ngay từ đầu. “Chúng tôi cung cấp lời khuyên tham vấn cho khách hàng. Đó là yếu tố giúp chúng tôi cảm thấy mình khác biệt với rất nhiều đối thủ mới hơn trên thị trường. Đó cũng là lý do chúng tôi tiếp tục giành chiến thắng đối với loại hình kinh doanh này”, CEO Adyen cho biết.

Không giống như nhiều công ty thanh toán, Adyen đã có lãi và có bảng cân đối kế tương đối “mạnh”. Trong nửa đầu năm nay, doanh thu ròng và lãi ròng của công ty đạt mức 608 triệu euro và 282 triệu euro, tăng lần lượt 37% và 38% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, Adyen đã công bố kế hoạch mở các trung tâm công nghệ mới ở Chicago và Madrid, ngoài cơ sở ở Amsterdam. Các trung tâm công nghệ tập trung vào việc thuê các kỹ sư phần mềm và cơ sở hạ tầng cũng như các nhà khoa học dữ liệu.

“Bởi vì chúng tôi xây dựng trên toàn cầu, điều quan trọng là phải có các nhà phát triển ở các quốc gia khác nhau. Chúng tôi cho rằng, theo thời gian, chúng tôi có thể cần thêm nhiều trung tâm hơn”, ông Zaki chia sẻ khi được hỏi về khả năng mở một cơ sở mới ở châu Á.

Khách hàng của Adyen ở châu Á chủ yếu là các công ty toàn cầu đang mở rộng sang khu vực này. Sự quan tâm từ các công ty trong khu vực sẽ là chìa khóa để Adyen tăng giao dịch tại châu Á – Thái Bình Dương. “Mọi thứ cần thời gian. Chúng tôi sẽ đi chậm và ổn định”, CEO Adyen chia sẻ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Nguyễn

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.