|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc khu vực FDI

07:31 | 10/03/2017
Chia sẻ
Một nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nền công nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi khu vực doanh nghiệp nội địa đang rất khó khăn.

kinh te viet nam qua phu thuoc khu vuc fdi

Vinashin là một điển hình thất bại của khu vực DNNN. Ảnh: TL.

Khu vực FDI ngày càng lấn át

Hiện nay, khu vực FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của Việt Nam, trong đó một số mặt hàng chiếm tới 100% kim ngạch xuất khẩu như điện thoại di động.

Trong tổng vốn đầu tư của xã hội, kể cả vốn đầu tư của Nhà nước cho cơ sở hạ tầng, tỷ lệ của FDI rất cao nếu so với các nước khác, kể cả các nước trong nhóm thế hệ công nghiệp hóa thứ năm như Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.

Chẳng hạn, năm 2015, tỷ lệ này của Việt Nam là 25,5% cao hơn nhiều so với Malaysia là 14,3%, Trung Quốc 3%, Thái Lan 11%.

Trong khi đó, nhìn vào cơ cấu các quốc gia và lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam thì phần lớn là các nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ tư và thứ năm.

Những công ty xuất phát từ các nước này hầu hết có lịch sử phát triển ngắn, nguồn lực và trình độ công nghệ còn hạn chế; chưa xác lập văn hóa kinh doanh có tính chất toàn cầu với sự đề cao trách nhiệm xã hội nên chất lượng công nghệ thường không cao và dễ gây va chạm tại nước đến đầu tư (80% có công nghệ trung bình so với thế giới, 14% có công nghệ lạc hậu, chỉ có 6% có công nghệ cao).

Trong đó, điều đáng quan ngại là công nghệ mới trong doanh nghiệp FDI chủ yếu là từ các công ty mẹ và hoạt động với mục đích chỉ tập trung vào khâu sản xuất chiếm lĩnh thị trường dựa trên các lợi thế về công nghệ do công ty mẹ cung cấp. Trong số này phần lớn là các hợp đồng chuyển giao công nghệ cục bộ không mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án FDI đều do công ty nước ngoài bỏ vốn 100% (chiếm tới 80,9%), hình thức liên doanh với công ty trong nước rất ít (16,7%). Lũy kế tới năm 2014, có tới 80,9% loại hình doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài, 16,7% là liên doanh và 2,4% là hình thức khác.

Liên kết lỏng lẻo

Nghiên cứu phục vụ cho hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” diễn ra ngày mai (10-3) tại Hà Nội nhận xét, cho đến nay, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước rất yếu.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam còn thấp, năm 2014 ở vị trí thứ 103/134, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan 36, Indonesia 39, Philipines 42 và Campuchia 44.

Nhiều nghiên cứu định lượng về tác động liên kết của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã cho thấy, doanh nghiệp trong nước nhận tác động tích cực từ liên kết ngược và tác động tiêu cực từ liên kết xuôi qua liên kết với các doanh nghiệp FDI.

Đồng thời, trong cùng ngành doanh nghiệp tư nhân trong nước chịu tác động tiêu cực nhiều hơn so với DNNN. Điều này phản ánh, do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân rất thấp nên chịu thua thiệt khi cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp FDI. Do đó, nếu chỉ tập trung thu hút ngày càng nhiều FDI như hiện nay mà không có sự chọn lọc có thể dẫn đến hệ lụy cho phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Với đặc điểm FDI phần lớn là 100% vốn nước ngoài và do thiếu liên kết dọc với doanh nghiệp trong nước đã dẫn đến sự phân hóa giữa hai khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước là một trong những nguyên nhân làm cho nền kinh tế đất nước phát triển thiếu bền vững.

Doanh nghiệp nội địa rất nhỏ và kém hiệu quả

Báo cáo nhận xét, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ; hiệu quả kinh tế - xã hội của khối doanh nghiệp công nghiệp nhà nước thấp.

Hiện nay, trong khu vực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước đã có một số doanh nghiệp lớn trong ngành chế tạo song tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ trọng chủ yếu, gần 94%.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần là 9,1%/năm, thấp hơn nhiều khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Khu vực doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần cao nhất, bình quân 26%/năm và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 13,7%/năm.

Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi đang giảm dần, ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh lỗ có xu hướng tăng. Năm 2010, tỷ lệ số doanh nghiệp hoạt động có lãi chiếm 64,1% và năm 2014 là 48,4%. Năm 2010 số doanh nghiệp kinh doanh lỗ chiếm 25,1% và năm 2014 là 45,3%.

Hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Năm 2014, chỉ số nợ khu vực doanh nghiệp nhà nước là 2,9 lần, các doanh nghiệp FDI là 1,64 lần, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 2,06 lần.

Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng vốn chủ sở hữu) của các doanh nghiệp giảm. Năm 2014 đạt 8,5%, thấp hơn tỷ lệ 9,5% của năm 2010.

Lợi nhuận của cả khu vực DNNN cao hơn mức trung bình của hệ thống doanh nghiệp nhưng chủ yếu đến từ một số tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn trong các ngành có tính độc quyền tự nhiên, còn phần lớn các DNNN có hiệu quả kinh doanh thấp, đặc biệt khi so sánh với doanh nghiệp FDI. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2000 đến nay, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi đó các các doanh nghiệp FDI thường xuyên duy trì mức trên 10%.

Trong khi đó, đến nay, số lỗ lũy kế của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở mức rất lớn, báo cáo hợp nhất của 14 tập đoàn, tổng công ty (TĐ,TCT) còn lỗ lũy kế là 6.165 tỉ đồng và 9 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 1.912 tỉ đồng.

Hiệu quả kinh tế của các DNNN nói chung và các DNNN trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng còn thấp song hiệu quả xã hội cũng không cao nếu xem xét tỷ trọng việc làm theo thành phần kinh tế. Hiện nay, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tạo ra khoảng 90% việc làm (86% từ kinh tế tư nhân trong nước, 4% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), trong khi khu vực DNNN chỉ tạo ra khoảng 16% việc làm cho xã hội.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tư Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.