|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Việt Nam một năm vượt sóng

06:46 | 01/02/2024
Chia sẻ
Nhìn lại năm 2023, lãnh đạo một doanh nghiệp gỗ với gần 1.000 lao động, có trụ sở ở Đồng Nai, nói "tạm qua được sóng gió".

Ông kể, năm qua, nhiều thời điểm năng suất của doanh nghiệp giảm quá nửa. "Chúng tôi buộc phải giảm chi phí, tái cơ cấu sản xuất và tìm đối tác mới. Nói chung, chỉ biết xoay xở mọi cách để sống", ông chia sẻ.

2023 là một năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất; thậm chí một số phải đóng cửa.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm ngoái ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Như vậy, mục tiêu 17,5 tỷ USD năm 2023 của ngành này không đạt được. Hiện ngành gỗ chiếm tỷ trọng gần 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Không riêng ngành gỗ, các lĩnh vực xuất khẩu vốn đem lại doanh thu tỷ USD cho Việt Nam như dệt may, da giày hay thủy sản cũng có một năm chật vật "bám trụ".

Từ quý III/2023, thị trường khởi sắc hơn, lượng đặt hàng tăng trở lại. Chưa phục hồi rõ nét nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, lãnh đạo doanh nghiệp gỗ ở Đồng Nai, nói điều này giống như có "than giữa trời đông".

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Nhiều điểm sáng

Khảo sát của VnExpress phối hợp với Ban IV trên 2.700 doanh nghiệp vừa qua cho thấy, doanh nghiệp vẫn khó khăn, nhưng niềm tin đã quay lại. Số đơn vị dự kiến mở rộng quy mô tăng gấp đôi so với trước. Họ cũng nhận định triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực hơn trong năm nay.

"Doanh nghiệp về cơ bản đã quay lại mạch sản xuất sau những cú sốc đột ngột do kinh tế toàn cầu", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV nói. Bà cũng cho biết nhiều chủ doanh nghiệp đã xoay xở khá tốt trong việc tái cấu trúc, tìm kiếm thị trường, bắt kịp các xu hướng mới để bù đắp những phần bị ảnh hưởng bởi khó khăn.

Theo các chuyên gia, dù mức tăng trưởng 5,05% trong 2023 không đạt kế hoạch, từng quý đã cho thấy sự phục hồi khi quý sau cao hơn quý trước, đặc biệt ở những tháng cuối năm.

 

Đơn cử, ngành nông nghiệp, bệ đỡ nhiều năm của nền kinh tế, được nhìn nhận có một năm "đi ngược chiều gió", bội thu ở một số lĩnh vực. Tổng kết ngành này năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, nông nghiệp đã xoay chuyển từ chỗ lúng túng, bị động, sang chủ động, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá.

Thực tế, nhóm nông sản năm ngoái có một năm tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu thế giới giảm. Xuất khẩu nhóm này tăng 17% so với cùng kỳ 2022, 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Giá bình quân của một số nông sản chính như cà phê, gạo, tăng mạnh hai con số.

Ngành du lịch cũng có một năm nỗ lực với nhiều biện pháp quảng bá, kích cầu. Số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho biết số khách quốc tế đến Việt Nam trong 2023 đạt trên 12,5 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra; số khách nội địa vượt kế hoạch năm giúp tổng thu từ du lịch tăng mạnh. Việt Nam cũng được vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới lần thứ tư.

Một trụ cột khác của nền kinh tế là đầu tư công, từ chỗ ì ạch đầu năm, đã có chuyển biến mạnh mẽ trong đầu quý II. Năm 2023 là năm số vốn đầu tư công được giao cao kỷ lục (tăng 25% - khoảng trên 110.000 tỷ đồng so với năm 2022), tạo áp lực rất lớn lên việc giải ngân.

"Tháng 12 là thời điểm có tốc độ giải ngân nhảy vọt, từ 65% kế hoạch lên 81%", Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương nói. Điều này có được nhờ những quyết liệt từ Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện, tháo gỡ khó khăn. Kết quả, số vốn giải ngân năm ngoái đạt khoảng 676.000 tỷ đồng, mức cao nhất 4 năm.

 

Từ lượng vốn giải ngân lớn, năm ngoái, nhiều công trình, hạ tầng quan trọng đã khởi công, hoạt động. Khoảng 475 km đường bộ cao tốc được đưa vào vận hành năm ngoái, nâng tổng số đường cao tốc khai thác lên 1.900 km. Việc này giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào 2025. Loạt dự án hạ tầng giao thông lớn được khởi công, như nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án sân bay Long Thành được cho là điểm nhấn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài cũng được đánh giá là "rất ấn tượng", theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Năm ngoái, Việt Nam thu hút gần 37 tỷ USD và giải ngân kỷ lục, trên 23 tỷ USD.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói, Việt Nam đã tạo dấu ấn với hạ tầng, nhân lực và thể chế với nhiều biện pháp gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có nhóm FDI để kịp thời hỗ trợ. Thực tế, đây là những điểm được các nhà đầu tư ngoại chú trọng khi tìm kiếm, mở rộng.

Bên cạnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cũng tích cực trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao để hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút các nguồn vốn chất lượng cao.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong 2023, lãnh đạo chủ chốt có 22 chuyến thăm đến các nước láng giềng, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống; ngược lại, có 28 chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp đến Việt Nam cùng hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị cấp cao. Trong đó, có những chuyến thăm Việt Nam có ý nghĩa lịch sử như của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chủ tịch Euro Cham Gabor Fluid cũng nhận xét Việt Nam là ngôi sao đang lên trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ông, FDI tăng hơn 32% năm ngoái là minh chứng cho niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào nền kinh tế hơn 100 triệu dân này.

Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, gần đây, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhóm ngành mới nổi, như bán dẫn, công nghiệp công nghệ cao.

Vẫn còn những cú sốc khó đoán định

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện nhiều thách thức từ những cú sốc khó đoán định bên ngoài, cùng vấn đề nội tại chưa được khắc phục.

Trong 2.700 doanh nghiệp được hỏi tại khảo sát về kinh tế 2023 của Ban IV, có hơn 69% đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực. Gần 73% đơn vị dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng hoặc ngừng kinh doanh. Các doanh nghiệp nói vẫn đối diện với những khó khăn về đơn hàng, dòng tiền, thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Báo cáo về kinh tế 2023 của Chính phủ cũng nhắc đến một số tồn tại của nền kinh tế, như tiếp cận tín dụng còn khó khăn; thị trường bất động sản trầm lắng do bất cập về phân khúc và vướng mắc về pháp lý. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm. Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư còn rườm rà.

Do đó, kinh tế 2024 được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp bày tỏ quan điểm thận trọng dù các dự báo lạc quan hơn. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết GDP năm nay ở kịch bản tốt nhất có thể tăng 6,48%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn vào 2024, đạt 6%, tương đương mức Quốc hội giao.

 

Trước các diễn biến khó lường, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần đẩy mạnh các biện pháp ứng phó. "Việt Nam nên tận dụng sức mạnh nội tại, thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, đầu tư công mang tính chuyển đổi trạng thái, hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn và dài hạn", ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank, lưu ý. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên phát triển khu vực tư nhân, nâng cao năng suất.

Tương tự, Ngân hàng HSBC khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện các chỉ số về hạ tầng, lao động, cải thiện môi trường kinh doanh để tăng sức hút với các nhà đầu tư. Bởi FDI và dịch vụ là hai yếu tố đóng góp vào triển vọng kinh tế năm nay khi giúp tăng năng lực sản xuất, mang đến cơ hội cho xuất khẩu.

Còn Ban IV trong báo cáo vừa trình Thủ tướng khuyến nghị Chính phủ, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong 2024. Bởi đây là thời điểm cấp thiết để tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp nhằm nuôi dưỡng niềm tin, năng lực phục hồi.

Trong lúc nhà chức trách đang lên kế hoạch về nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp ở phía cung và cầu, các doanh nghiệp nói họ sẽ "không buông tay trước thách thức".

"Kinh tế xuống nhanh nhưng lên rất chậm, doanh nghiệp muốn phục hồi cần nhiều thời gian, nguồn lực. Chúng tôi không buông tay, càng nguy càng tỉnh, nhưng cũng cần nhiều sự hỗ trợ hơn", chủ doanh nghiệp gỗ tại Đồng Nai, chia sẻ.

Nội dung: Đức Minh Đồ họa: Hoàng Khánh - Thanh Hạ

Đức Minh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.