|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế trưởng UNDP: Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu

16:35 | 11/07/2023
Chia sẻ
Kinh tế trưởng UNDP nêu vấn đề Việt Nam dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu và khuyến nghị cần xây dựng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm.

Sáng 11/7, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Vneconomy tổ chức Tọa đàm Đối thoại Chính sách quý II với chủ đề “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện mới”.

Tại tọa đàm, TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng UNDP nêu vấn đề Việt Nam dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Ông cũng cảnh báo việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản.

 TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng UNDP.

Về chính sách tài khóa, Việt Nam sử dụng chính sách tài khóa thuận chu kỳ. Theo chuyên gia UNDP, việc công cụ tài khoá không được sử dụng đúng mức sẽ làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng.

“Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn, cần xây dựng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm”, ông nói.

 

Đại diện UNDP cũng đề cập đến một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực đầu tư công như đầu tư công ngày càng địa phương hóa. Dẫn số liệu từ OECD về đầu tư công ở cấp trung ương và địa phương, TS. Johnathan Picus cho hay Việt Nam là một trong những nước phân cấp cao nhất trên thế giới.

Ngoài ra, đầu tư công ở Việt Nam khá phân mảnh. Việt Nam chi cho cơ sở hạ tầng tương đối cao, nhưng lãng phí nhiều, trùng lặp, dự án nhỏ, không hiệu quả.

Ông cho rằng Việt Nam cần lật ngược suy giảm đầu tư công, tăng hiệu quả, tập trung, thông qua giám sát quốc gia và kế hoạch phát triển vùng. Ngoài ra cần hiện đại hoá hệ thống an sinh xã hội phù hợp với quốc gia thu nhập trung bình, công nghiệp hoá.

Đầu tư công của Việt Nam phân cấp nhiều về địa phương. (Nguồn: OECD).

Cũng tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay cả ba thành phần tổng cầu đều suy yếu, Việt Nam có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng.

“Cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng bởi chúng ta có thể nhìn rõ xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế đang thấp dần qua các thập kỷ. Nếu lạm dụng chính sách kích cầu thì sẽ dễ sa vao tình huống đi từ thái cực này sang thái cực khác, khiến cho nền kinh tế bất ổn hơn”.

Ông cũng nhấn mạnh nguyên tắc kích cầu cần kịp thời bởi độ trễ chính sách thông thường rất lớn trong khi tình hình kinh tế lại biến động nhanh.

Chính sách kích cầu cũng nên chỉ thực hiện tạm thời, trong thời gian ngắn do nguồn lực dư địa chính sách hạn chế và cũng để tránh các bất ổn như lạm phát, tỷ giá, bong bóng giá tài sản. Ngoài ra, chính sách nên hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao và hướng vào hàng hóa nội địa.

Ông cho rằng cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay, điều này sẽ kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản. Tuy nhiên cùng với giảm chi phí vốn của doanh nghiệp cũng cần tăng khả năng tiếp cận vốn bởi lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được thì không hiệu quả.

Chính sách tiếp theo kích thích đầu tư tư nhân là thông qua sử dụng tín dụng thuế đầu tư “Nhà nước nên có danh sách các ngành nghề muốn khu vực tư nhân tham gia vào, trong thời gian này đưa ra các ưu đãi để họ thực hiện ngay”, ông nói thêm.

PGS.TS Phạm Thế Anh cũng đồng tình với Kinh tế trưởng của UNDP về quan điểm cho rằng Việt Nam dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Thay vào đó, Việt Nam cần sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Ngoài ra đầu tư công của Việt Nam phân cấp nhiều về địa phương, nguy cơ không hiệu quả.  

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.