|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kinh tế trưởng SSI: Đôi khi bệnh mù màu lại là liều thuốc để vượt qua bẫy tâm lý trong đầu tư

22:15 | 27/01/2023
Chia sẻ
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, trong đầu tư chúng ta sẽ đặt cảm xúc vào những màu của thị trường và nhà đầu tư giao dịch dựa trên những gam màu đó. Nếu để cảm xúc bị chi phối bởi các sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng của thị trường và giao dịch thì chúng ta sẽ mắc những lỗi rất lớn.

2022 đối với nhiều người là một năm khó quên trên thị trường chứng khoán. Đi cùng sự biến động của VN-Index, thị trường cũng thanh lọc cổ phiếu và mang nhiều cổ phiếu trả về đúng giá trị thực của nó. Cùng với đó, thị trường cũng thực hiện thanh lọc nhiều nhà đầu tư chứng khoán, buộc các nhà đầu tư phải thích nghi, thay đổi và tìm ra chiến thuật phù hợp cho bản thân.

Tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo Phát triển CTCP Chứng khoán SSI cho rằng một bài học đơn giản nhưng học mãi vẫn chưa xong là “nói không với việc dò đáy, đoán đỉnh”.

“Market timing rất là khó và việc nhà đầu tư cố chạy theo những thứ như vậy sẽ gây lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc. Thay vào đó, cần làm bài tập về nhà đầy đủ, không nên chỉ nghe ngóng chờ đợi người khác “phím” cho”.

Theo ông Hưng, ngay cả khi có được lời khuyên mua bán cổ phiếu, khi về nhà mọi người vẫn phải làm bài tập đầy đủ để nghiên cứu xem câu chuyện thực tế là gì. Chúng ta không nên chỉ nghe được mỗi “3 chữ cái” rồi mua luôn, đến lúc thua lỗ gọi điện lại cho người “phím” thì kết cục là chẳng ai nghe máy.

Còn nếu bận quá không có thời gian làm bài tập về nhà thì tốt nhất không nên đầu tư vì mọi người không nên bỏ tiền vào những thứ mình không biết và không nắm rõ. Nếu đầu tư kiểu như vậy khi cổ phiếu biến động hay có thông tin gì mới chúng ta lại phải tìm đến dựa dẫm hoặc nhờ vả vào người khác, mà khi nhắn tin gọi điện hỏi thì không chắc sẽ có người trả lời.

Chuyên gia cũng lưu ý bài học về việc quản trị rủi ro. Đây là yếu tố bắt buộc trong hành trình đầu tư, mỗi người cần xác định rõ mức độ chịu được thua lỗ của bản thân và thực hiện cắt lỗ khi tài khoản chạm đến ngưỡng này.

Chia sẻ về câu chuyện lỗi lầm đầu tư, BTV Hoàng Nam cho biết theo khảo sát một vòng thị trường gần đây thì việc cầm tiền mà không đầu tư cũng là một dạng “lỗi”.

“Thời gian qua chúng ta hay nói về chuyện nhiều nhà đầu tư thua lỗ nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư giữ được tiền, tránh được cú sập đến thời điểm này họ nhận ra điều đó trở thành một thứ hơi phản tác dụng.

Có một tâm lý rằng dù chúng ta có thể dự đoán được vùng điểm VN-Index có thể giảm về và cũng dự tính sẽ vào tiền vào thời điểm này nhưng thực tế khi chỉ số đã về đến vùng đó thì chúng ta lại có cảm giác phải giảm thêm nữa, ví dụ như VN-Index đã giảm xuống 900 điểm rồi nhưng lại đưa quyết định khi chỉ số về vùng 800, 750 thì mới đầu tư.

Nếu đã cầm tiền thì mình sẽ luôn tìm các lý do để bi quan hơn về thị trường, còn nếu cầm cổ phiếu thì lại luôn tìm ra các lý do tích cực hơn. Vậy nên việc cân đối một tỷ trọng đầu tư phù hợp cũng sẽ giúp chúng ta cân bằng được cảm xúc trong đầu tư để có thể có một kết quả đầu tư tốt hơn”.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo Phát triển CTCP Chứng khoán SSI trong chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình).

Nói về liều thuốc hiệu quả nhất để có thể chữa những lỗi lầm nhiều nhà đầu tư mắc phải trong năm 2022, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI cho rằng việc chữa bệnh khá phức tạp nhưng đôi khi chúng ta mắc thêm một căn bệnh thì chính nó lại tự chữa được bệnh cũ.

“Có một bài học hay trong phim “Vinh quang trong thù hận” đó là: Tất cả bảng giá trên đời này đều viết bằng con số, không phải là màu.

Trong đầu tư cũng vậy, chúng ta sẽ đặt cảm xúc vào những màu của thị trường như tím thì vui, xanh sàn thì sợ và nhà đầu tư giao dịch dựa trên những gam màu đó. Nếu để cảm xúc bị chi phối bởi các sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng của thị trường và giao dịch thì chúng ta sẽ mắc những lỗi rất lớn”.

Người mẹ trong phim đã nói rằng: “Đôi giày màu xanh hay màu gì đâu có quan trọng gì đâu”. Cần hiểu rằng không quan trọng con số 20 viết bằng màu tím hay màu xanh sàn mà quan trọng là con số 20 có phải mức giá mà chúng ta muốn giao dịch, muốn mua hay bán cổ phiếu không. Đó mới là điều đáng để quan tâm, do vậy nếu nhà đầu tư mắc bệnh “mù màu” thì nhìn vào thị trường nhiều khi lại là điều tốt.

Linh Chi