|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kinh tế trưởng SSI nói về cách chọn môi giới, phá bỏ tâm lý giàu nhanh với margin nóng, thậm chí vay 'kho'

07:31 | 17/06/2022
Chia sẻ
Trên thực tế, có nhiều nhà môi giới tự nhận mình chưa bao giờ lỗ. Theo ông Hưng, việc đầu tư trên thị trường chưa bao giờ lỗ là rất hiếm, trừ khi người đó giỏi photoshop.

Không còn giữ vai trò đặt lệnh, kết nối cung cầu như thời giao dịch qua quầy OTC sôi động, công việc của những người môi giới chứng khoán hay còn được biết đến với tên gọi “broker” trong thời đại 4.0 hướng đến nghiệp vụ có hàm lượng chất xám nhiều hơn như cập nhật, tổng hợp tin tức về diễn biến thị trường hàng ngày cho nhà đầu tư, sâu hơn là tư vấn danh mục đầu tư cho khách hàng.

Tuy nhiên, tìm được người môi giới phù hợp trong bối cảnh thị trường ngắn hạn đang gặp khó khăn có lẽ là điều mà nhiều nhà đầu tư trăn trở khi thực tế chỉ ra nhiều broker chỉ đưa khuyến nghị khi thị trường tăng điểm, vào các nhịp giảm mạnh lại “lặn mất tăm”, nhắn tin không thấy trả lời.

Chia sẻ trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI cho biết không có công thức cụ thể cho việc lựa chọn môi giới.

Có những nhà đầu tư thích đồng hành với những môi giới có tuổi, nhiều kinh nghiệm đầu tư ngoài thị trường vì họ muốn đầu tư lâu dài. Tuy nhiên cũng có những nhà đầu tư trẻ giao dịch liên tục trong thời gian ngắn, giao dịch cả thị trường cơ sở và phái sinh thì thường sẽ thích các bạn tư vấn trẻ tuổi vì họ cập nhật thông tin nhanh nhạy hơn, sử dụng công nghệ tốt hơn.

BTV Hoàng Nam và  ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI trong chương trình Bí mật đồng tiền của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình).

Trên thực tế, có nhiều môi giới tự nhận mình chưa bao giờ lỗ. Theo ông Hưng, việc đầu tư trên thị trường chưa bao giờ lỗ là rất hiếm, trừ khi người đó giỏi photoshop.

"Khi chọn môi giới, nếu các bạn quan tâm nhiều đến đầu tư và lịch sử đầu tư thì có thể hỏi người môi giới đã giúp nhà đầu tư làm gì để không bị thua lỗ, phương pháp để bảo vệ tài sản trong lúc thị trường giảm điểm. Còn lúc thị trường lên, danh mục tăng bao nhiêu % thì cũng không quan trọng lắm.

Dưới góc độ quản trị rủi ro, tôi cần người môi giới trong giai đoạn 2014, 2018, 2020, hay 2022 giúp cho nhà đầu tư có tỷ lệ lỗ trên tổng tài sản ở mức thấp. Đây chính là lựa chọn tốt. Còn lúc thị trường lên thì không quá phức tạp, chúng ta không cần thông minh hơn thị trường nhưng chúng ta cần phải có kỷ luật hơn mức trung bình", ông Hưng nhấn mạnh.

Với các bạn trẻ, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI cho rằng nên dành tỷ lệ lớn trong danh mục để đầu tư dài hạn, hoặc đầu tư vào các chứng chỉ quỹ có tính ổn định cao. Còn nếu vẫn thích đầu cơ lướt sóng để có cảm giác về thị trường thì chỉ nên dành một phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư.

Gần đây có nhiều công ty chứng khoán cạnh tranh thu hút nhà đầu tư bằng câu chuyện margin nóng. Về cơ bản các công ty sẽ chỉ cho vay với tỷ lệ tiêu chuẩn 1:1, nhưng với một số đơn vị môi giới đang liên hệ với bên thứ 3, thường gọi là “kho” để nhà đầu tư có thể vay “kho” mua cổ phiếu với đòn bẩy cao.

Về vấn đề này, ông Hưng cho rằng tâm lý làm giàu nhanh rất khó bỏ, cho nên khi chúng ta giao dịch với margin cao thì nó giống như câu chuyện hai bên cùng có lợi. Với các bạn môi giới họ sẽ có chỉ tiêu khối lượng giao dịch lớn hơn, còn nhà đầu tư trong thị trường tăng sẽ kiếm tiền nhanh hơn.

"Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng khi tăng tỷ lệ margin lên đồng nghĩa với việc đối mặt với rủi ro lớn hơn. Giống như tôi từng nói chúng ta dễ dàng biến một khoản đầu tư thành đầu cơ và có thể gây ra thiệt hại rất lớn nếu như sử dụng một cách bừa bãi, không có sự đánh giá cẩn thận".

Nhà đầu tư mới với số vốn ban đầu thấp thường sẽ được tiếp xúc với những người môi giới trẻ, những người mới ra trường, đang thực tập ở các công ty chứng khoán, hoặc cũng có thể kinh nghiệm làm việc khoảng 1 – 2 năm.

Ông Hưng cho rằng điều này cũng tốt vì khi đầu tư điều quan trọng là tìm được những người có cùng suy nghĩ. Hãy coi người môi giới như một người bạn và các bạn sẽ cùng giúp nhau trong quá trình đầu tư.

Mặc dù người môi giới đó có thể còn trẻ nhưng họ có kiến thức, cung cấp được nhiều thông tin hơn so với việc nhà đầu tư tự mày mò, tìm kiếm thông tin. Chuyên gia khẳng định việc lựa chọn một bạn môi giới trẻ không phải không tốt vì các bạn trẻ thường nhiệt huyết, chịu khó học hỏi thì họ có thể giúp nhà đầu tư nhiều điều hơn.