|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Trung Quốc tiếp thêm động lực cho đà phục hồi trên toàn cầu

22:57 | 16/06/2020
Chia sẻ
NBS công bố số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 5/2020, với sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế Trung Quốc tiếp thêm động lực cho đà phục hồi trên toàn cầu - Ảnh 1.

(Nguồn: Xinhua)

Giữa lúc thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tiến trình nối lại hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang tiếp thêm niềm tin và động lực cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi số liệu mới công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng tốc trong tháng 5/2020.

Các số liệu kinh tế chủ chốt khác cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát dịch bệnh.

Các dấu hiệu rõ ràng và tích cực này cho thấy tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc chỉ là tạm thời, và nước này có thể phát triển kinh tế ổn định và bền vững.

Như chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank Michael Spencer đã dự đoán, kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi “rất ấn tượng” và tiến đến tăng trưởng.

Thứ nhất, tiêu dùng trong nước, vốn là động lực chính của kinh tế Trung Quốc, đang bắt đầu gia tăng. Số liệu thống kê chính thức cho thấy doanh số bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng của nước này, một chỉ báo quan trọng cho sự tăng trưởng trong tiêu dùng, đã thu hẹp mức giảm từ 7,5% hồi tháng Tư xuống còn 2,8% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù hoạt động tiêu dùng nhìn chung có suy giảm, nhưng doanh số trực tuyến tiếp tục diễn biến tích cực, với mức tăng 4,5% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 2,8 điểm phần trăm so với bốn tháng đầu năm, giữa lúc người tiêu dùng chuyển sang các dịch vụ trực tuyến khi phải ở nhà.

Thứ hai, các hình thức hoạt động kinh tế mới đã tiếp thêm sức sống cho thị trường. Từ các lớp học và dịch vụ chăm sóc y tế trực tuyến đến hình thức làm việc từ xa và bán hàng thông qua hoạt động phát video trực tuyến (livestream), nền kinh tế số đã hòa nhập với các ngành truyền thống trên thị trường Trung Quốc, với sự hỗ trợ của công nghệ 5G, các trung tâm dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Quá trình chuyển đổi số và sự phát triển của các ngành công nghệ cao chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc tăng trưởng bền vững và chất lượng hơn.

Thứ ba, các chính sách tài khóa và tiền tệ hiệu quả đã góp phần tăng “sức đề kháng” cho nền kinh tế Trung Quốc.

Trong những tháng qua, các ban ngành và chính quyền các địa phương đã ban hành gần 100 chính sách và biện pháp nhằm xoa dịu những khó khăn của các doanh nghiệp, tăng hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện cho vòng luân chuyển chuỗi cung ứng, và hỗ trợ cho việc nối lại hoạt động làm việc và sản xuất.

Thứ tư, bất chấp tác động của dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn đạt tiến triển nhanh chóng và ổn định trong việc mở cửa hơn nữa nền kinh tế.

Trong năm nay, Luật đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã được thực thi. Cảng thương mại tự do Hải Nam ở phía Nam Trung Quốc đã ký kết 35 dự án đầu tư quan trọng, trong đó có tám dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngày 16/6, Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 127 đã được khai mạc trực tuyến tại tỉnh Quảng Đông. Những động thái này cho thấy thị trường Trung Quốc đang tiếp tục mở cửa với nhiều tiềm năng lớn và các điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư.

Chuyên gia phân tích Wang Tao của UBS nhận định, kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm nay, song cũng có thể phải đối mặt với “cơn gió ngược” từ khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

Trước những số liệu kinh tế khả quan nói trên, UBS dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng trưởng dương trong quí 2/2020.

Khánh Ly

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.