|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Nhật Bản có thể thiệt hại 20 tỷ USD từ việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp

21:25 | 13/01/2021
Chia sẻ
Theo chuyên gia, việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp sẽ khiến 109.000 người mất việc làm nếu Chính phủ không có biện pháp nào để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Kinh tế Nhật Bản có thể thiệt hại 20 tỷ USD từ việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 20/8/2020. Ảnh: (THX/TTXVN).

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các chuyên gia kinh tế dự báo việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Nhật Bản có thể sẽ gây thiệt hại ít nhất 20 tỷ USD cho nền kinh tế nước này.

Ông Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, dự báo việc Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra ba tỉnh phía Tây có thể gây thiệt hại khoảng 2.100 tỷ yen (khoảng 20,1 tỷ USD), hay 0,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dự báo này được đưa ra với giả định tình trạng khẩn cấp sẽ kết thúc vào ngày 7/2/2021.

Theo chuyên gia Nagahama, việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp sẽ khiến 109.000 người mất việc làm nếu Chính phủ không có biện pháp nào để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Yoshimasa Maruyama, chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán SMBC Nikko, dự báo nền kinh tế Nhật Bản có thể suy giảm 1,5% nếu phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được mở rộng ra các tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo, Aichi và Gifu trong thời gian dài hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Trước đó, ông Maruyama dự báo GDP thực tế của Nhật Bản sẽ giảm 1,2% nếu tình trạng khẩn cấp được áp dụng ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận.

Trước đó, ngày 7/1, Thủ tướng Yoshihide Suga đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận, gồm Chiba và Kanagawa, Saitama, trong thời gian từ ngày 8/1 đến ngày 7/2. Sau đó, ngày 13/1, ông tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp này ra 7 tỉnh khác, gồm tỉnh Aichi, Tochigi và Gifu ở miền Trung, Osaka, Hyogo và Kyoto ở phía Tây, và Fukuoka ở phía Nam.

Năm ngoái, Nhật Bản cũng đã từng ban bố tình trạng khẩn cấp trong các tháng 4 và 5/2020, và hậu quả là trong quý 2/2020, GDP thực tế của nước này đã giảm tới 28,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua.

Mặc dù các biện pháp được áp dụng khi ban bố tình trạng khẩn cấp lần này bớt nghiêm ngặt và có phạm vi tác động hạn chế hơn so với năm ngoái nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo việc tái ban bố tình trạng khẩn cấp vẫn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiêu dùng cá nhân - một trong hai trụ cột tăng trưởng chính của nền kinh tế Nhật Bản, và do đó, GDP thực tế của Nhật Bản trong quý I/2021 sẽ một lần nữa giảm.

Đào Tùng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.