|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Sóng' COVID-19 'cuốn trôi' hy vọng hồi phục của kinh tế Nhật Bản

23:23 | 07/01/2021
Chia sẻ
Ngày 7/1, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận nhằm kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
'Sóng' COVID-19 'cuốn trôi' hy vọng hồi phục của kinh tế Nhật Bản - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. (Ảnh: DW).

Nhiều người lo ngại việc ban bố tình trạng khẩn cấp có thể đẩy nền kinh tế này rơi vào suy thoái khi đà phục hồi vẫn còn khá mong manh. Nếu điều đó xảy ra, dịch COVID-19 sẽ một lần nữa “cuốn trôi” hy vọng hồi phục kinh tế của Nhật Bản.

Những hồi ức buồn

Xuất hiện lần đầu tiên ở Tokyo vào giữa tháng 1/2020, virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 đã lây lan ra khắp Nhật Bản chỉ trong gần hai tháng. 

Do sự bùng phát của dịch bệnh nguy hiểm này, ngày 24/3/2020, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định lùi thời gian tổ chức các thế vận hội Thế vận hội (Olympic) và Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) 2020 sang năm 2021. Điều này đã gây không ít thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Khoảng 2 tuần sau đó, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 7 tỉnh, thành, trong đó có Tokyo, Kanagawa, Saitama và Chiba. Sau đó, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp đã được mở rộng ra khắp cả nước vào ngày 16/4.

Tình trạng khẩn cấp chỉ được dỡ bỏ tại 39 trong tổng số 47 tỉnh, thành vào ngày 14/5, và tại các tỉnh còn lại vào ngày 25/5.

Mặc dù tình trạng khẩn cấp chỉ được áp dụng trong khoảng 1 tháng rưỡi nhưng biện pháp quyết liệt này đã dập tắt hy vọng phục hồi và đẩy nền kinh tế Nhật Bản lún sâu vào suy thoái. 

Trong quý II/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này đã giảm tới 28,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. 

Mức sụt giảm mạnh nhất trước đó là 17,8%, xảy ra vào quý I/2009 sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra do sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) vào tháng 9/2008.

Cùng với tốc độ tăng trưởng, các chỉ số kinh tế quan trọng khác đều rất tiêu cực. Trong tháng 4/2020, nước này đã rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên trong hơn 3 năm. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 2,6%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2017. 

Kim ngạch xuất khẩu giảm 21,9%, mạnh nhất trong hơn 10 năm qua và là tháng thứ 17 liên tiếp giảm, và thâm hụt thương mại tăng tới 930,4 tỷ yen (8,6 tỷ USD) – điều rất ít khi xảy ra với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Nhật Bản.

Nền kinh tế lớn thứ ba chỉ hồi phục sau khi Chính phủ Nhật Bản thực hiện hàng loạt biện pháp để khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội như nới lỏng hạn chế về số người tham gia các sự kiện thể thao, giải trí; thực hiện hàng loạt chương trình kích cầu nội địa khởi đầu với cụm từ “Go To” như “Go To Travel”, “Go To Event” hay “Go To Eat”; và đặc biệt là mở cửa biên giới đối với tất cả người nước ngoài có tư cách lưu trú trung và dài hạn, ngoại trừ khách du lịch, từ ngày 1/10. 

Trong quý III/2020, kinh tế Nhật Bản đã hồi phục với tốc độ 22,9%, cao nhất kể từ năm 1980.

Nhiều khả năng đà phục hồi này sẽ tiếp tục trong các quý IV/2020 và quý I/2021 nếu dịch COVID-19 không tái bùng phát trở lại như hiện nay. Kết quả thăm dò 35 nhà kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) hồi tháng trước cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ tăng trưởng 3,44% trong quý IV/2020 và 1,31% trong quý I/2021.

Nguy cơ suy thoái kép

Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận trong thời gian từ ngày 8/1 đến ngày 7/2. Trong thời gian tình trạng khẩn cấp có hiệu lực, người dân ở các tỉnh, thành này được yêu cầu hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết sau 20 giờ. 

Các cơ sở kinh doanh ăn uống được khuyến cáo chỉ bán đồ uống có cồn trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 19 giờ và đóng cửa vào lúc 20 giờ hàng ngày. 

Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các chính quyền địa phương trợ cấp cho các nhà hàng và quán bar tuân thủ các yêu cầu đó. Tuy nhiên, khác với năm ngoái, Chính phủ không yêu cầu các trường học phải tạm thời đóng cửa.

Mặc dù các biện pháp được áp dụng khi ban bố tình trạng khẩn cấp lần này bớt nghiêm ngặt và có phạm vi tác động hạn chế hơn so với năm ngoái nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo việc tái ban bố tình trạng khẩn cấp vẫn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiêu dùng cá nhân – một trong hai trụ cột tăng trưởng chính của nền kinh tế Nhật Bản, và do đó, GDP thực tế của Nhật Bản trong quý I/2021 sẽ một lần nữa giảm. 

Điều này có nghĩa nhiều khả năng sẽ xảy ra kịch bản kinh tế Nhật Bản hồi phục theo mô hình chữ W (hay còn gọi là suy thoái kép). Trong trường hợp tồi tệ hơn, kịch bản hình chữ L sẽ xuất hiện khi nền kinh tế này hầu như không thể "bật dậy" và gần như đi ngang sau khi phục hồi trong quý III và IV của năm 2020 cho dù khả năng xảy ra kịch bản này khá thấp.

Đánh giá về tác động của việc tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở 4 tỉnh, thành trong thời gian 1 tháng, ông Takahide Kiuchi, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nomura, nhận định quyết định này sẽ khiến tiêu dùng cá nhân giảm 4.890 tỷ yen vì người dân hạn chế đi ăn ở ngoài, mua sắm ô tô và các sản phẩm khác. 

Do vậy, GDP có thể giảm thêm 0,88 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, và nền kinh tế sẽ rơi vào đáy thứ 2.

Cùng chung nhận định đó, ông Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Daiichi, cho rằng GDP của Nhật Bản có thể sẽ giảm 2.800 tỷ yen và số người thất nghiệp có thể tăng thêm 147.000 người.

Lo ngại về triển vọng tiêu cực của nền kinh tế, trong tuần qua, nhiều nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu trong các lĩnh vực như giao thông, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống – những lĩnh vực có khả năng phải hứng chịu tác động lớn từ tình trạng khẩn cấp. 

Chuyên gia Ryozo Minagawa của công ty Chứng khoán SMBC Nikko nhận định doanh số bán hàng của ngành nhà hàng sẽ giảm khoảng 20% trong tháng 1/2021 do tình trạng khẩn cấp không chỉ ảnh hưởng tới các quán bar mà còn nhiều chuỗi cửa hàng ăn uống khác. 

Trong khi đó, chuyên gia Ichikawa dự báo các nhà đầu tư sẽ tránh xa cổ phiếu của các công ty có liên quan tới các cơ sở kinh doanh ăn uống và giao thông ít nhất cho đến khi tình trạng khẩn cấp kết thúc”.

Tuy nhiên, điều người ta lo ngại là Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp. 

Ông Ryutaro Kono, chuyên gia kinh tế trưởng của BNP Paribas ở Tokyo, nhận định “khả năng cao là tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 sẽ được mở rộng”. Nếu dự báo của ông Kono đúng, thiệt hại đối với nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ lớn hơn nhiều.

Chuyên gia Shinichiro Kobayashi của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Mitsubishi UFJ nói: “Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn, và nếu phạm vi và thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp được mở rộng, mức giảm của GDP trong quý I/2021 có thể lên tới 2 con số”. 

Theo ông Kobayashi, trong trường hợp đó, hậu quả của việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ không chỉ dừng lại trong việc tiêu dùng cá nhân giảm mà còn ở việc số lượng công ty phá sản và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào vòng xoáy tồi tệ của thất nghiệp tăng và thu nhập giảm.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Kiuchi cho rằng sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ “cần phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và cá nhân như trợ cấp hay hỗ trợ tài chính”.

Tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế bổ sung có tổng trị giá lên tới 73.600 tỷ yen (tương đương 707 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19. 

Đây là gói kích thích kinh tế đầu tiên được soạn thảo dưới thời chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga. Trước đó, Tokyo đã tung ra hai gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 230.000 tỷ yen (2.200 tỷ USD).

Song song với các gói kích thích đó, thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp như trợ cấp trực tiếp 100.000 yen/người cho người dân bằng tiền mặt, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi định hướng kinh doanh, hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp duy trì việc làm cho lao động, cung cấp các khoản tín dụng không lãi cho doanh nghiệp, tung ra các chương trình kích cầu hỗ trợ cho ngành du lịch và dịch vụ… Tuy nhiên, một số biện pháp hỗ trợ đã tạm dừng hoặc sắp hết hạn.

Do vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tái ban bố tình trạng khẩn cấp, nhiều khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ phải tiếp tục gia hạn các chương trình hỗ trợ và tung ra nhiều biện pháp khác để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, với hy vọng nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh sau cú sốc mới.

Nguyễn Thị Minh Trang