|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Mỹ sẽ 'hạ cánh mềm' năm 2024

23:45 | 13/02/2024
Chia sẻ
Không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các nhà dự báo đều đang điều chỉnh lại dự báo tăng trường kinh tế năm 2024 của cường quốc lớn nhất thế giới.

Đồng đôla Mỹ. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh lạm phát cao, lãi suất tăng, hệ thống tài chính xáo trộn và xung đột địa chính trị gia tăng, nhiều chuyên gia kinh tế đã có dự đoán bi quan về tăng trưởng kinh tế Mỹ khi cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ kết thúc năm 2023 trong tình trạng trì trệ, hay thậm chí là suy thoái. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chứng minh là có khả năng hồi phục đáng kể.

Trong tháng 11 và 12/2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng lần lượt là 0,1% và 0,3%. Tin tức khả quan về lạm phát đã mang lại sự tự tin và cơ sở để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 30-31/1. Chủ tịch Fed, Jerome Powel, thậm chí còn đề cập đến khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Hơn nữa, trong suốt năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tiếp tục được duy trì ở mức thấp lịch sử và tỷ lệ tham gia thị trường lao động mở rộng. Hiệu suất Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng vượt kỳ vọng, với tốc độ bình quân trong quý III và IV/2023 lần lượt là 4,9% và 3,3%. Chỉ số chứng khoán S&P500 cao hơn 24% trong năm và đồng USD vẫn rất mạnh mẽ.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các nhà dự báo đều đang điều chỉnh lại dự báo tăng trường kinh tế năm 2024 của cường quốc lớn nhất thế giới. Mặc dù, phần lớn trong số họ vẫn dự đoán rằng mức tăng trưởng của năm 2024 sẽ chậm lại (các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng chỉ đạt 1,5%), nhưng rất khó để có thể tìm thấy bất kỳ ý kiến nào cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể đã tạo ra được một trong những thành tựu kinh tế vĩ mô hiếm nhất – “hạ cánh mềm”.

Đây là tin tốt cho các nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong khu vực, chiếm khoảng 15% tổng thương mại của Đông Á và Thái Bình Dương. Mỹ, cho đến nay, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á. Tăng trưởng kinh tế của nước này tương đối mạnh mẽ, thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của khu vực cao hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh môi trường bên ngoài có nhiều thách thức.

Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ trong năm 2024, đặc biệt là trong ngắn hạn và trung hạn. Kịch bản “hạ cánh mềm” không được đảm bảo. Mặc dù các tin tức trong vài quý gần đây đều rất tích cực, nhưng hậu quả từ sự “đảo chiều” trong chính sách tiền tệ trong năm 2023 có thể gây ảnh hưởng cho năm 2024, do tác động của các chính sách tiền tệ thường có độ trễ nhất định.

Những xáo trộn về tài chính cũng đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế Mỹ, Thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên 1.700 tỷ USD trong năm tài chính 2023, cao hơn nhiều so với mức 1.400 tỷ USD của năm trước đó. Tổng nợ quốc gia đã tăng từ 5.800 tỷ USD vào năm 2000 lên 33.200 tỷ USD, tương đương 120,1% GDP, tính đến quý III/2023.

Trong khi ngân sách là một vấn đề chính trị lớn của năm 2023, thì năm 2024 đã bắt đầu bằng một thỏa thuận ngân sách đầy hứa hẹn, nhằm giữ cho các khoản chi tiêu tùy ý của chính phủ Mỹ về cơ bản không thay đổi. Nhưng chính phủ đang có áp lực phải tăng chi tiêu, đặc biệt là khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11/2024.

Tuy nhiên, sẽ khó có bất kỳ biện pháp kích thích tài chính đáng kể nào được đưa ra, do Quốc hội Mỹ đang rạn nứt trầm trọng về mặt chính trị và thâm hụt chưa được cải thiện. Do đó, mọi vấn đề có lẽ sẽ được gác lại cho tới sau cuộc bầu cử.

Xung đột địa chính trị là nguồn gốc của những bất ổn. Bên cạnh cuộc xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng leo thang ở Trung Đông, đặc biệt là khủng hoảng ở Biển Đỏ, đang làm trầm trọng thêm các vấn đề, có khả năng tạo ra hậu quả khó lường đối với kinh tế toàn cầu.

Chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ ngày càng căng thẳng cho đến tháng 11/2024, thậm chí có thể muộn hơn nếu người thua cuộc không chấp nhận thất bại. Sự phân cực của nền chính trị Mỹ đang gây ra sự chia rẽ rõ rệt. Đây không còn chỉ là vấn đề giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mà là giữa các phe phái trong mỗi đảng.

Tuy nhiên, cả hai đảng này đều áp dụng lập trường hướng nội. Trên thực tế, chính sách thương mại quốc tế của chính quyền Tổng thống Biden không khác nhiều so với những gì mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp dụng trước đây, mặc dù luận điệu là khác nhau. Chính quyền của ông Biden cũng áp dụng nhiều biện pháp thuế quan và hành chính như thời của ông Trump và đương kim Tổng thống Mỹ đã không đầu tư vào các hiệp định thương mại tự do mới hoặc hồi sinh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khiến Cơ quan Phúc thẩm của thể chế này rơi vào tình trạng lấp lửng.

Các mục tiêu xanh đáng ngưỡng mộ của Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) năm 2022 đã bị ảnh hưởng, bởi những quy định có nội dung hướng nội. Quốc hội Mỹ đang xem xét thực thi thuế carbon, một phần được thúc đẩy bởi Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon mà Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thực hiện. Nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, ông hứa sẽ áp dụng mức thuế tổng thể 10% và áp dụng các mức thuế gắt gao đối với doanh nghiêp nước ngoài trên cơ sở “thuế đổi thuế”. Chính sách thương mại như vậy được ví như là thảm họa cho cả khu vực và Mỹ.

Tóm lại, tốc độ tăng trưởng chậm nhưng tích cực và lạm phát giảm ở Mỹ là kịch bản hợp lý và là tin tốt cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với việc hạ cánh mềm vào năm 2023, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ châu Á-Thái Bình Dương (một nguồn tăng trưởng quan trọng đối với khu vực hướng ngoại này) có thể sẽ tăng vào năm 2024.

Một số nền kinh tế khu vực sẽ được hưởng lợi từ việc sự hồi sinh của kinh tế Mỹ. Những nước khác sẽ thu được lợi ích một phần từ các khía cạnh của IRA nhằm khuyến khích đầu tư cho nền kinh tế xanh như lithium. Tuy nhiên, thế giới đang sống trong thời kỳ vô cùng bất ổn và những cơn bão gây rối loạn có thể đang hình thành.

Diệu Linh

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.