|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế 2022-2023: Năm 'bận rộn' của ngành giao thông vận tải

07:13 | 23/12/2022
Chia sẻ
Năm 2022 khép lại với hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm được khởi công và hoàn thành; trong đó có siêu dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.

 Khởi công toàn bộ 25 gói thầu dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 trước ngày 15/1/2023. (Ảnh: VGP).

Một năm bộn bề công việc của ngành giao thông vận tải với những điểm nhấn trong triển khai hoạt động thu phí không dừng (ETC) tại các trạm thu phí BOT trên toàn quốc, tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải luôn trong nhóm đầu, cùng với đó là hoạt động vận tải được phục hồi tốt.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, năm 2022, ngành giao thông vận tải vẫn còn đó những tồn tại, bất cập trong xây dựng cơ bản; rất nhiều công trình BOT "lịch sử" để lại vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ "thế bí".

Ngày 1/8/2022 là bước ngoặt lớn trong triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) khi Bộ Giao thông Vận tải đã đồng loạt vận hành hệ thống thu phí ETC tất cả các dự án BOT giao thông trên toàn quốc. Điều này góp phần minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông.

Nhiều chuyên gia giao thông, nhà quản lý và doanh nghiệp khẳng định sự kiện ETC được triển khai chính là “điểm nhấn” của năm mà ngành giao thông vận tải đã quyết tâm làm được, thể hiện quyết tâm chính trị lớn của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan. Bởi nhìn lại chặng đường "nhọc nhằn" 7 năm, bắt đầu triển khai từ năm 2015 với không ít lần "lỡ hẹn".

Trong khi đó, nhiệm vụ trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải là đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng đạt được những kết quả nổi trội.

Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, 2022 là năm thứ hai mà ngành giao thông vận tải cùng toàn Đảng, toàn dân bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2021; trong đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng mà nhất là hạ tầng giao thông tiếp tục được xác định là một trong những mũi đột phá chiến lược.

Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý khối lượng công việc khổng lồ liên quan đến chuẩn bị cho “siêu” dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021-2025) với 12 dự án thành phần có tổng chiều dài 729 km, dự án cao tốc khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này góp phần duy trì nhịp độ phát triển cho ngành giao thông giao vận tải trong 5-6 năm tới và quan trọng hơn, đây là những dự án hạ tầng được kỳ vọng tạo động lực, mang lại sự thịnh vượng cho đất nước trong những năm tới.

Lãnh đạo Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) chia sẻ, để kịp tiến độ triển khai cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và Chính phủ ra nghị quyết triển khai, các đơn vị của Bộ đã tập trung để hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán 12 dự án thành phần của đại dự án này.

“Đây là khối lượng khổng lồ, vì thường một dự án nhóm A như 12 dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phải mất ít nhất 2 năm cho các công việc thiết kế, dự toán cũng như chọn nhà thầu. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, thời gian triển khai các công việc đã được rút ngắn và  đảm bảo về chất lượng và trình tự thủ tục theo quy định”, lãnh đạo Cục Quản lý Đầu tư xây dựng cho hay.

Các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp tích cực cùng chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng cho dự án này. Vì vậy, kết thúc năm 2022, cơ bản các nhà thầu đã có mặt bằng để triển khai thi công.

Song song với chuẩn bị trên, ngành giao thông đã hoàn thành 365 km cao tốc của 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Trong đó, có dự án Cam Lộ - La Sơn được đưa vào khai thác năm 2022, thông xe kỹ thuật 3 dự án thành phần là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Ba dự án theo mệnh lệnh của Chính phủ sau khi thông xe kỹ thuật phải được khai thác ngay trong quý I/2023.

Đây được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng thể hiện được quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải. Bởi việc hoàn thành các dự án này gặp vô cùng khó khăn đến từ dịch COVID-19, bão giá nhiên vật liệu. Khó khăn rất lớn khi cả bốn dự án nói trên đang phải bước vào giai đoạn thi công nước rút trong điều kiện không thuận lợi về thời tiết, biến động giá.

Trong Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải được coi là một trong những đầu tàu quan trọng, được ưu tiên bố trí một lượng vốn đầu tư rất lớn cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được giao hơn 55.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, đây là khối lượng giải ngân được giao lớn nhất từ trước đến nay.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các Ban Quản lý dự án khẳng định: tới ngày 31/1/2023 (thời điểm hết năm tài chính), Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm giải ngân được tối thiểu 95% số vốn này.

Theo đánh giá của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải là một trong những bộ, ngành dẫn đầu có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ chia sẻ, để giải ngân đạt được kết quả đúng kỳ vọng, ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch vốn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BGTVT với những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong đó, yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng, thường xuyên phối hợp với Cục, Vụ chuyên môn rà soát khối lượng thực hiện.

Ngoài kết quả tích cực trên, bức tranh tổng thể của ngành giao thông vận tải trong năm 2022 cũng phải nhắc đến điểm sáng là hoạt động vận tải. Số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, thị trường vận tải đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở các lĩnh vực, đặc biệt là vận tải hành khách.

Cụ thể, ở lĩnh vực hàng không, tổng lượng hành khách thông qua cảng hàng không trong năm 2022 ước đạt 100 triệu lượt so với 120 triệu lượt hành khách đạt được năm 2019 (thời điểm trước dịch). Vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ, đường thủy cũng có sự tăng trưởng với mức hai con số.

Riêng lĩnh vực hàng hải, khối lương hàng hóa qua cảng biển mặc dù đã bị chậm đà tăng trưởng so với những năm trước nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Trong khi đó, lĩnh vực đường sắt cũng được ghi nhận là đã bớt khó khăn hơn khi sản lượng hàng hóa và hành khách đã phục hồi khoảng 70% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, việc đảm bảo an toàn giao thông trong các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt cũng đạt được kết quả tốt khi 3 tiêu chí là số vụ tai nạn, số người bị chết và bị thương đều giảm so với cùng kỳ. Cùng với đó là sự chuẩn bị tốt phương án vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm sự đi lại an toàn trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội Xuân 2023.

Nhìn lại một năm 2022 với nhiều kết quả đạt được, ngành giao thông vận tải không phải không có những tồn tại cần giải quyết. Những vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT giao thông, đặc biệt là những dự án đang gặp khó khăn về tài chính, đứng trước nguy cơ phá sản.

Các chuyên kinh tế nhìn nhận,trong giai đoạn tới, nếu không có giải pháp xử lý phù hợp, nhanh chóng; các dự án này sẽ là những con cờ domino giáng mạnh đến an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng tài trợ vốn; ảnh hưởng tiêu cực đến kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Cùng với vướng mắc trên, những tiêu cực xảy ra tại môt số lĩnh vực như đăng kiểm, đường thủy cũng là những “vết xước” mà ngành giao thông vận tải cần tiếp tục xử lý.

Năm 2023, với hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia được khởi công, ngành giao thông vận tải cần đảm bảo đúng tiến độ; triển khai các quy hoạch ngành... là những công việc đang chờ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức ngành giao thông giải quyết…


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quang Toàn