|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh doanh ôtô: “Đừng bắt doanh nghiệp một cổ hai tròng”

14:16 | 30/10/2016
Chia sẻ
Nâng lên đặt xuống rất nhiều lần, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cuối cùng cũng được Chính phủ gửi đến Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chiều muộn 29/10 để thẩm tra.

Thứ Bảy, lại hết giờ hành chính đã lâu, nói như Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh là “ngoài giờ của ngoài giờ”, nhưng việc sửa theo Chính phủ là rất cần thiết, nên cơ quan thẩm tra vẫn xem xét.

Tờ trình sửa đổi chỉ vừa mới được ký, và so với bản dự thảo đã được đăng tải lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi đầu tháng 9/2016 thì danh mục các ngành nghề được bổ sung đã có sự thay đổi khá nhiều.

Về số lượng đã nâng từ 12 lên 15, nhưng trong số 12 ngành nghề nằm trong đề nghị trước đây, cũng chỉ còn khoảng một nửa được giữ nguyên.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Hào Hùng cho biết, sau khi họp với các bộ ngành có liên quan, lãnh đạo Chính phủ thống nhất bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Vì sao bổ sung sản xuất ôtô?

Một trong những ngành nghề mới được đề nghị bổ sung vào danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện là sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô. Tại danh mục hiện hành thì đã có kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô.

Ngay tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Hào Hùng cho biết, sau khi họp với các bộ ngành có liên quan, lãnh đạo Chính phủ thống nhất bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tại tờ trình, Chính phủ cho biết có đến 4 cơ quan đề nghị bổ sung ngành này. Gồm, UBND tỉnh Quảng Nam, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam.

Lý do bổ sung là, xe ôtô là sản phẩm công nghệ cao, cấu tạo phức tạp và có giá trị lớn. Chất lượng xe ôtô có ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm tính mạng, sức khoẻ con người, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Do vậy cần áp dụng điều kiện kinh doanh ôtô từ khâu sản xuất, lắp ráp đến bảo hành, bảo dưỡng.

Nhưng, lý do này, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, là chưa đủ thuyết phục. Ông cho rằng nên quản lý thông qua các biện pháp quản lý hàng hóa nhóm 2, hơn là điều kiện đầu tư kinh doanh.

“Nếu quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh thì đối tượng bị quản lý là thương nhân nhập khẩu ôtô, với những vấn đề về vốn, nhân lực, cơ sở kỹ thuật... Tuy nhiên, dù doanh nghiệp có nhiều vốn, nhiều nhân lực, nhiều cơ sở kỹ thuật thì cũng không làm tăng chất lượng, tính an toàn của chiếc xe ôtô ở bất kỳ một điểm nào. Vì xe ôtô nhập khẩu do hãng nước ngoài sản xuất”, ông Lộc phân tích.

Hiện nay, quy định về nhập khẩu ôtô đã cho phép cán bộ đăng kiểm sang tận nơi, vào tận nhà máy của hãng sản xuất để kiểm tra đối với một dòng xe mới tinh nhập về (gọi là kiểm tra COP). “Như vậy là phù hợp”, Chủ tịch VCCI nói thêm.

“Một cổ hai tròng”

Vẫn theo ông Lộc thì Bộ Giao thông Vận tải đã có đầy đủ quy định để kiểm tra chất lượng an toàn và bảo vệ môi trường đối với ôtô khi nhập về Việt Nam. Đây là kiểm tra thực chất, đánh đúng vào mặt hàng mà không phải đi đường vòng là quản lý người để gián tiếp quản lý hàng nữa.

Đối với nghĩa vụ sửa chữa, bảo hành, triệu hồi đều là nghĩa vụ của nhà cung cấp theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với sửa chữa, bảo hành là nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa người mua và người bán. Do đó, người mua sẽ tự cân nhắc việc này. Còn triệu hồi thì là khuyết tật, lỗi trong quá trình sản xuất, nên nhà sản xuất sẽ có trách nhiệm, không phải là nhà nhập khẩu.

Hơn nữa, trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng, triệu hồi là giống nhau giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu. Do đó, nếu trong trường hợp có đủ cơ sở về tính cần thiết, thì có thể yêu cầu các cam kết sửa chữa, bảo dưỡng, triệu hồi bắt buộc đối với từng chiếc xe trước khi bán ra, chứ không phải là trước khi nhập khẩu. Như vậy, đây là điều kiện để bán xe ôtô, chứ không phải là điều kiện để nhập khẩu xe.

Những ngành nào có đầy đủ quy chuẩn tiêu chuẩn để kiểm soát thì nên đưa ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đừng bắt doanh nghiệp phải “một cổ hai tròng” nữa, ông Lộc nhấn mạnh.

Cho biết là đã nhận được phản ứng từ các doanh nghiệp, đại diện Bộ Giao thông Vận tải có mặt tại cuộc họp một lần nữa đề nghị xem xét không đưa dịch vụ bảo hành bảo dưỡng xe ôtô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nguyên Vũ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.