|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Kinh doanh nghỉ dưỡng ven đô và homestay 'lên ngôi'

16:25 | 24/11/2018
Chia sẻ
Khoảng vài năm trở lại đây, loại hình lưu trú ngắn hạn homestay thực sự bùng nổ khi nhu cầu khách hàng lựa chọn homestay để nghỉ dưỡng ngày càng tăng và kéo theo đó nhiều người cũng “đua nhau” đầu tư kinh doanh loại hình sản phẩm, dịch vụ này.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm "Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Thực trạng và triển vọng" do Báo The LEADER tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Thản, Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho hay, nhu cầu nghỉ dưỡng homestay và du lịch nghỉ dưỡng ven đô của người Hà Nội ngày càng tăng. Hàng ngày đối mặt với áp lực công việc và ô nhiễm môi trường, người dân đô thị cần được nghỉ ngơi và đó cũng là lý do tại sao người Việt đi du lịch ngày càng đông.

Tại Hà Nội, những khu nghỉ dưỡng ở ở vùng ven đô sẽ là lời giải cho bài toán du lịch thuận tiện với chi phí thấp. Ông Thản cho rằng trong tương lai du lịch nghỉ dưỡng ven đô sẽ phát triển tốt.

kinh doanh nghi duong ven do va homestay len ngoi
Nhu cầu nghỉ dưỡng homestay và du lịch nghỉ dưỡng ven đô của người Hà Nội ngày càng tăng. Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm, ông Lê Kiên Trung, nhà sáng lập Urban Getaway cũng cho hay, thị trường nghỉ dưỡng homestay hiện có tiềm năng rất lớn. Khách hàng bây giờ cần trải nghiệm ở những mô hình du lịch mới lạ, thay vì những mô hình đã hiện hữu với mô típ lặp đi lặp lại. Thị trường Việt Nam bây giờ cần những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu. Công nghệ hiện đang chuyển hóa cách thức cũng như các hoạt động du lịch.

Ông Trung cũng cho biết, riêng tại Hà Nội, nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô đang ngày càng tăng cao. Không phải ai cũng có điều kiện mua 1 khu nghỉ dưỡng đắt tiền, nhưng nếu chỉ cần bỏ ra từ 3 – 5 triệu chia cho vài ba gia đình trong 1 nhóm thì cả nhóm có thể thuê được một khu nghỉ dưỡng homestay để đi nghỉ thì chi phí này không phải nhiều.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Archi Invest cũng nêu quan điểm cho rằng thị trường du lịch nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội sẽ tăng trưởng mạnh và bền vững trong rất nhiều năm tới.

Thứ nhất, nguồn cầu lớn đến từ khách du lịch nội địa và quốc tế đến Hà Nội. Trong những năm qua, du lịch Hà Nội tăng trưởng mỗi năm đều trên 10% và năm ngoái đón 21,8 triệu lượt khách, gấp năm lần thị trường Nha Trang. Trong khi đó, Hà Nội chỉ có thêm 1.200 phòng khách sạn 3-5 sao mới đi vào hoạt động trong 5 năm qua.

Thứ hai, một nguồn cầu quan trọng hơn đó chính là lượng khách từ trong nội đô Hà Nội đi ra ngoại ô để nghỉ dưỡng.

Theo ông Trung, Hà Nội có 4,5 triệu người trong nội đô. Hơn 4,5 triệu người trong một thành phố trẻ đang phát triển với sự căng thẳng của công việc, ô nhiễm, tắc đường, thì nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô cũng như nhu cầu ăn uống hàng ngày.

Ông Trung cũng dẫn một khảo sát nhanh của Archi Invest năm 2017 cho thấy, trên 90% người được hỏi mong muốn ra ngoại ô trên 10 lần/năm và 70% trong số đó có nhu cầu chi trả chưa đến 1 triệu đồng/người.

kinh doanh nghi duong ven do va homestay len ngoi
Trào lưu nghỉ dưỡng homestay hiện được giới trẻ khá ưa chuộng. Ảnh minh họa: Luxstay.

Trong khi cầu lớn thì nguồn cung khu nghỉ dưỡng ven đô rất hạn chế, hiện chỉ có chưa đầy 1.600 phòng 3 - 5 sao ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận. Với nguồn cung này, ông Trung cho rằng, khả năng xây dựng cật lực 10 năm nữa cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân Hà Nội với dân số ngày một tăng.

Lý do thứ ba là thị trường ngoại ô rất dễ tiếp cận và ngày càng gần hơn do các tuyến đường giao thông thuận tiện. Bên cạnh đó, sự tăng nhanh về số lượng xe ô tô cá nhân tạo điều kiện cho thị trường nghỉ dưỡng ven đô phát triển.

Thứ tư theo ông Trung là lợi thế về chi phí rẻ hơn du lịch biển. Một khu nghỉ dưỡng tầm trung ở ven đô có giá khoảng 2,8 triệu đồng/phòng/đêm, mỗi người chi phí ăn uống, ngủ nghỉ một ngày mất khoảng 3 triệu đồng, chỉ bằng vé máy bay vào Đà Nẵng. Ngoài ra, biệt thự ngoại ô cho thuê có giá chỉ từ 4 - 5 triệu đồng/đêm cho 6 - 10 người, nên chi phí cho một người chỉ trên dưới 1 triệu đồng/ngày.

Theo một báo cáo từ Luxstay – nền tảng đặt phòng trực tuyến với mạng lưới homestay lớn nhất Việt Nam hiện nay, khách hàng nội địa chiếm đến 95% trên tổng số khách đặt phòng từ nền tảng này. Điều đó cho thấy du lịch nội địa đang có sự bùng nổ, các căn hộ homestay cũng trở thành xu hướng lựa chọn và đóng góp rất lớn vào nguồn cung chỗ ở giúp cho ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.

Lý giải cho sức hút của loại hình nghỉ dưỡng này, Luxstay cho hay, ngoài nhu cầu từ khách hàng thì các ưu thế vượt trội so với thị trường như giá cả, tiện ích và sự đa dạng cũng là những yếu tố thúc đẩy. So với khách sạn từ 3 đến 4 sao, giá thuê homestay tương đương, có đôi khi còn rẻ hơn, chỉ cần bỏ từ 25$ là bạn đã có thể sở hữu cho mình một không gian vô cùng tiện ích.

Điểm tiếp theo là sự tiện ích và đa dạng. Chẳng hạn chỉ tính riêng hệ thống đặt phòng của Luxstay đã có hơn 5.000 căn hộ, trải khắp các tỉnh thành, các thành phố lớn và địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Chính nguồn cung đa dạng này đã khiến du khách có sự hứng thú hơn với homestay so với những loại hình du lịch khác.

Đối tượng du khách đến với “trải nghiệm homestay” này cũng rất đa dạng, từ giới trẻ đến các gia đình, các cặp đôi muốn tìm sự riêng tư hay dân công sở muốn có một địa điểm tích hợp các tiện ích vui chơi. Ở homestay, du khách còn có thể tự do sáng tạo các hoạt động từ tổ chức tiệc tùng, hoạt động giải trí đến tận hưởng không gian mà vẫn đảm bảo sự tự do, riêng tư. Điều này mang đến cho du khách cảm giác được độc quyền không gian, không sợ ai làm phiền.

Có thể thấy, khẩu vị của khách hàng ngày càng “mặn”, nơi ở khi du lịch không còn đơn thuần chỉ để nghỉ ngơi mà bây giờ phải đi theo trào lưu. Ở homestay là được trải nghiệm không gian, văn hoá, mang đến đầy đủ các hoạt động trong quần thể nơi ở đó. Chính vì vậy, trong thời điểm hiện tại, trải nghiệm homestay đang là một trào lưu nghỉ dưỡng mới của dân du lịch.

Ý kiến của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm trên đều đánh giá mô hình kinh doanh nghỉ dưỡng ven đô, trong đó có loại hình homestay sẽ bùng nổ trong khoảng 3-5 năm tới, tuy nhiên tính tự phát trong khai thác, tính đồng bộ trong kết nối và sự hỗ trợ của chính sách được xem là những thách thức lớn đối với mô hình kinh doanh này. Dù có tiềm năng nhưng hành lang pháp lý để phát triển và kinh doanh dự án (như xin đất phát triển dự án...) còn rất khó khăn.

Các cơ quan nhà nước cần nhận thức được vấn đề và các giá trị mà bất động sản nghỉ dưỡng ven đô mang lại để tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư phát triển dự án tốt hơn, từ đó mang lại nhiều giá trị cho xã hội và ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quyết định về việc sửa đổi một số nội dung Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) trên địa bàn.

Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào Điều 3 chương II (Quy chế 2017) theo hướng đơn giản tinh gọn từ 6 khoản xuống còn 3 khoản.

Theo đó, trong mục Điều kiện kinh doanh, quy chế mới quy định khá “nhẹ nhàng” với 3 điểm gồm: có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách theo quy định.

Riêng với “Tiêu chuẩn homestay”, quy chế mới quy định thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2017 - nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê công bố tại Khoản 2 Điều 1, Quyết định số 3990/QĐ-BKHCN ngày 29/12/2017 của Bộ KH&CN.

Quy chế sửa đổi cũng bỏ nội dung “Thực hiện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú”. Tiêu chí khuyến khích: Chủ kinh doanh homestay có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú và hiện đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh.

Xem thêm

Khánh Hà