|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu phân bón tăng trưởng âm 5 tháng liên tiếp, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi

08:07 | 13/04/2023
Chia sẻ
Nhu cầu tiêu thụ và giá phân bón yếu dần khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trưởng âm 5 tháng liên tiếp, doanh nghiệp đặt mục tiêu kết quả kinh doanh đi lùi.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 xuất khẩu phân bón đạt 126.638 tấn, tương đương 55 triệu USD, giảm 16% cả về lượng và giá trị so với tháng 2. So với tháng 3/2022, xuất khẩu phân bón đã tăng 4% về lượng nhưng giảm 16% về giá trị.

Lũy kế quý đầu năm 2023, xuất khẩu phân bón đạt gần 405.000 tấn với kim ngạch hơn 183,5 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 41% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trong tháng 3, giá phân bón xuất khẩu đạt 431 USD/tấn, đi ngang so với tháng 2 và giảm 20% so với tháng 3/2022. Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ tháng 11/2021 đến nay. Giá phân bón yếu dần cũng là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu phân bón tăng trưởng âm 5 tháng liên tiếp.

Bình quân quý I/2023, giá xuất khẩu phân bón đã giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 455 USD/tấn.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh) 

Trong báo cáo ngành phân bón, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết tình hình thời tiết trong nửa đầu năm 2023 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp. Hiện tượng La Nina dù đang có xu hướng yếu đi sẽ tiếp tục kéo dài trong vài tháng tới trước khi bước vào giai đoạn trung tính, giúp cho lượng mưa tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cao hơn từ 5-10% và khu vực Nam Bộ cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm.

Tuy nhiên trước tình hình chính trị bất ổn trên thế giới, cùng với nhu cầu tiêu thụ suy yếu do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, việc kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng nông sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Điều này kéo theo việc kinh doanh phân bón theo đó cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại khi nhu cầu tiêu thụ suy yếu, giá các loại vật tư nông nghiệp hiện vẫn đang duy trì ở mức cao so với thời điểm trước COVID-19.

Trước diễn biến ảm đạm và triển vọng kém tích cực của giá phân bón, các doanh nghiệp ngành phân bón đặt kế hoạch năm 2023 với doanh thu đi lùi sau một năm “bùng nổ” 2022. 

Cụ thể trong năm 2023, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Mã: DPM) đặt kế hoạch doanh thu đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2.250 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 60% so với năm 2022.

Tương tự, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) đặt mục tiêu doanh thu đạt 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 1.383 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương với mức giảm 15,5% và 68% so với năm ngoái.

Còn đối với CTCP Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán: BFC), doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu giảm 13% về mức 7.476 tỷ đồng, song mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 23% so với năm 2022.

Hoàng Anh