|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kienlongbank lên sàn vẫn không tạo sức hút

11:30 | 09/01/2017
Chia sẻ
Thông tin Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) vừa được cấp mã CK giao dịch trên UPCoM là KLB đã tạo ra phấn khởi cho cổ đông với kỳ vọng bán cắt lỗ sau thời gian dài nắm giữ.

Tuy nhiên, niềm vui này liệu có thành hiện thực, khi thanh khoản vốn là điểm yếu của UPCoM và tình hình hoạt động của Kienlongbank vẫn đang rất khó khăn.

Nợ xấu tăng

Theo BCTC hợp nhất 9 tháng năm 2016 của Kienlongbank, tính đến 30-9, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 26.000 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm. Trong quý III-2016, thu nhập lãi thuần giảm gần 12%, còn 172 tỷ đồng, do tốc độ tăng chi phí trả lãi tiền gửi và chi phí khác tăng mạnh hơn tốc độ tăng thu nhập lãi và các khoản thu tương tự. Các hoạt động kinh doanh ghi nhận kết quả khởi sắc hơn, trong đó lãi từ hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi đạt hơn 7 tỷ đồng, lãi thuần từ CK đầu tư tăng mạnh lên 8,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số này không đáng kể. Các hoạt động khác cũng ghi nhận lãi trên 5 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng 21% lên 153 tỷ đồng, kết thúc quý III-2016, Kienlongbank ghi nhận khoản lỗ 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 27,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2016, Kienlongbank ghi nhận 19,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2015.

Thế nhưng, việc Kienlongbank báo lỗ lại không khiến cổ đông lo lắng bằng việc tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,12% tại thời điểm đầu năm lên 1,46%, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 54% lên 187 tỷ đồng. Đây là điều khiến cổ đông hết sức bất ngờ, bởi năm trước đó 2016 kết quả kinh doanh đã ít nhiều được cải thiện. Theo BCTC năm 2015, đa số chỉ tiêu kinh doanh quan trọng của Kienlongbank đều tăng trưởng ổn định, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp. Một số chỉ tiêu quan trọng đạt được trong năm 2015, như tổng tài sản đạt 25.322 tỷ đồng (tăng 9,6%); vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 20.081 tỷ đồng (tăng 21,18%); cho vay nền kinh tế đạt 16.218 tỷ đồng (tăng 19,9%); lợi nhuận trước thuế đạt 211,66 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu 1,13%/tổng dư nợ (kế hoạch dưới 2,5%). Bên cạnh đó, các giới hạn và tỷ lệ an toàn được duy trì đúng quy định của NHNN, đảm bảo hoạt động của Kienlongbank được an toàn, bền vững.

Từ kết quả này, ngay từ đầu năm 2016, HĐQT của Kienlongbank tiếp tục xây dựng chiến lược quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh trong trung và dài hạn. Các giải pháp được Kienlongbank theo đuổi gồm tăng cường công tác quản trị điều hành các cấp, đặc biệt là quản trị rủi ro; nâng cao vai trò thẩm định và tái thẩm định tín dụng, hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng, hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro, duy trì khả năng thanh khoản; phát huy tối đa nguồn lực tài chính trên nguyên tắc đảm bảo an toàn hoạt động và nâng cao khả năng sinh lời; phát triển hệ thống quản lý rủi ro nhằm tiếp cận lộ trình tuân thủ chuẩn Basel II vào năm 2018.

kienlongbank len san van khong tao suc hut

Không có thanh khoản

Tại ĐHCĐ năm 2016, HĐQT của Kienlongbank đã thông qua chủ trương niêm yết CP trên sàn UPCoM. Theo Kienlongbank, việc được Trung tâm Lưu ký CK (VSD) cấp mã CK trong những ngày cuối năm 2016 là bước đi đầu tiên để ngân hàng chính thức gia nhập TTCK trong năm 2017, qua đó nâng cao tính minh trong bạch hoạt động, tạo thuận lợi trong việc giao dịch của cổ đông cũng như NĐT. Thế nhưng, trái ngược với sự mong đợi của cổ đông, bất chấp việc Kienlongbank được cấp mã giao dịch, CP KLB gần như không có bất kỳ giao dịch trên thị trường OTC. Hiện có một số giao dịch chào bán KLB với giá 7.000 đồng/CP, nhưng theo một số NĐT có kinh nghiệm, mức giá này vẫn tương đối cao. Thậm chí, có ý kiến cho rằng giá hợp lý của KLB chỉ vào khoảng 5.000 đồng/CP.

Theo nhận định của giới phân tích, so với các ngân hàng chuẩn bị đổ bộ lên UPCoM trong năm 2017 như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Đông Phương (OCB) hay Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techombank), Kienlongbank yếu thế hơn hẳn. Trước đó, Techcombank và VIB cũng được cấp mã CK trong tháng 12-2016. Theo kế hoạch, VIB sẽ niêm yết hơn 564 triệu CP trên UPCoM vào ngày 9-1, với giá tham chiếu 17.000 đồng/CP. Thực tế, nhiều CTCK đưa ra khuyến nghị NĐT chỉ nên tăng tỷ trọng CP ngân hàng theo hướng tập trung vào những ngân hàng có quy mô trung bình, đã xử lý nợ xấu tốt trong quá khứ và có triển vọng tăng trưởng cao. Với thực trạng hiện tại, nhiều NĐT nắm giữ CP KLB từ nhiều năm trước với mức giá trên 30.000/CP, nay muốn bán cắt lỗ cũng hết sức khó khăn.

Biện pháp chính để xử lý nợ xấu hiện nay là các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý, đặc biệt thông qua trích lập dự phòng. 2017 là năm thứ 4 các TCTD thực hiện trích lập 20% giá trị trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC. Theo đó, các TCTD có số dư trái phiếu đặc biệt lớn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chi phí dự phòng. Ngược lại, số ít TCTD có chế độ quản trị rủi ro tốt và đã quyết liệt xử lý nợ quá khứ sẽ giảm trích lập và đi lên. Do đó, bức tranh toàn ngành nhiều khả năng tiếp tục chứng kiến sự phân hóa trong năm 2017.

Kim Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.