|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiện toàn nhân sự Chính phủ, Quốc hội sau sắp xếp bộ máy

06:42 | 18/02/2025
Chia sẻ
Sáng 18/2, Quốc hội bắt đầu quy trình kiện toàn nhân sự sau khi biểu quyết thông qua cơ cấu thành viên Chính phủ, Thường vụ Quốc hội.

Mở đầu phiên họp, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), một bước quan trọng để kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước.

Sau đó, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, thẩm tra, thảo luận và biểu quyết thông qua hai Nghị quyết: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi) và về cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi).

Cũng trong buổi làm việc này, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua hai Nghị quyết khác liên quan đến tổ chức và nhân sự của Quốc hội, đó là Nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội và Nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi).

Các quyết định về nhân sự cấp cao của Chính phủ, Quốc hội sẽ được đại biểu thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và thông qua theo quy trình chặt chẽ.

Tổng Bí thư Tô Lâm (giữa), Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp sáng 17/2. (Ảnh: Media Quốc hội).

Khối Chính phủ sau sắp xếp gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ, ngành và 3 cơ quan so với hiện nay.

Cụ thể, Bộ Tài chính thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch đầu tư và lấy tên Bộ Tài chính. Bộ Xây dựng thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Nông nghiệp - Môi trường thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập trên cơ sở hợp nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Nội vụ thành lập trên cơ sở hợp nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Bộ Dân tộc - Tôn giáo thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.

Ngoài các bộ mới, cơ cấu tổ chức Chính phủ sẽ duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ, gồm: Bộ Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hiện Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có 27 thành viên gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính, 5 Phó thủ tướng gồm các ông: Nguyễn Hòa Bình (Thường trực); Trần Hồng Hà; Lê Thành Long; Hồ Đức Phớc; Bùi Thanh Sơn (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao).

Các Bộ trưởng: Quốc phòng Phan Văn Giang; Công an Lương Tam Quang; Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh; Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (đã được điều động, chỉ định giữ chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM); Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (đã được điều động, phân công, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương); Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Y tế Đào Hồng Lan.

Người đứng đầu cơ quan ngang bộ gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (đã được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo kế hoạch sắp xếp, tinh gọn, cơ quan của Quốc hội giảm 4 ủy ban, nâng cấp 2 ban. Các cơ quan dự kiến gồm Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.

Ủy ban Đối ngoại kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao. Ủy ban Quốc phòng - An ninh đổi tên thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh - Đối ngoại. Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp sáp nhập thành Ủy ban Pháp luật - Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế - Tài chính; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa - Xã hội.

Hai cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu được nâng cấp thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.

Thường vụ Quốc hội hiện gồm 18 thành viên, với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; 4 Phó chủ tịch Quốc hội gồm các ông/bà: Nguyễn Đức Hải; Nguyễn Khắc Định; Trần Quang Phương và Nguyễn Thị Thanh.

Các Ủy viên gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm.

Sơn Hà