|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiểm toán nhà nước muốn kiểm toán việc ban hành, thực thi chính sách thu hút FDI

08:22 | 10/06/2020
Chia sẻ
Trước thực trạng 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tiếp trong đó có hành vi “chuyển giá” gây thất thu ngân sách nhà nước trong khi dự án FDI không thuộc đối tượng của Kiểm toán nhà nước, cơ quan này vừa đề xuất cơ sở pháp lý cho việc kiểm toán việc ban hành, thực thi chính sách và quản lý nhà nước đối với các dự án FDI…

Vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán nhà nước” dô Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức sáng nay, 9/6.

Kiểm toán nhà nước muốn kiểm toán việc ban hành, thực thi chính sách thu hút FDI - Ảnh 1.

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

Nhức nhối “mặt trái” FDI

Khẳng định vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng  như  chủ trương đẩy mạnh chính sách thu hút  FDI  của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua là hết sức đúng đắn và cần thiết, GS. TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng KTNN - đã chỉ ra một loạt vấn đề gọi là mặt trái của FDI, trong đó nổi lên là hiện tượng các doanh nghiệp (DN) FDI kê khai, báo lỗ.

“Hiện tượng này khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”...” - Phó Tổng KTNN nhấn mạnh.

Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp: TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2011.

“Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh (các ví dụ điển hình như trường hợp của Cocacola hay Pepsi). Điều đáng nói là trong khi DN FDI báo lỗ thì hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da…” - ông Tiên lưu ý.

Hoạt động chuyển giá của các DN FDI đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) hàng chục ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua. Theo KTNN, quy mô các khoản thu NSNN này không nhỏ khi các DN FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu NSNN.

Một loạt yếu kém, hạn chế trong thực tiễn quản lý các dự án FDI cũng được KTNN chỉ ra. Đó là: Chưa nhất quán giữa mục tiêu và biện pháp thực hiện thu hút; Các chính sách ưu đãi thu hút được áp dụng chung cho toàn bộ các tỉnh thành, chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương, đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh về thu hút FDI giữa các địa phương; Các chính sách ưu đãi thu hút còn phức tạp, chồng chéo, nằm rải rác ở nhiều văn bản luật pháp khác nhau; Thiếu theo dõi quá trình thực hiện chính sách (chưa được một cơ quan độc lập, có năng lực đánh giá về kết quả quá trình thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút FDI); Chưa thực hiện đánh giá tác động đầy đủ của chính sách và chi phí lợi ích mà chính sách đạt được; Các thủ tục để được nhận ưu đãi chưa minh bạch, vẫn còn cơ chế xin cho, một số chính sách ưu đãi được ban hành nhưng không có quy định về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi…

Băn khoăn cơ sở pháp lí

Theo TS Lê Đức Luận, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII, kể từ khi được Tổng KTNN thành lập đến nay, KTNN khu vực VII chưa tiến hành một cuộc kiểm toán và chưa tiến hành đối chiếu một DN FDI nào. Nguyên nhân được ông Luận đưa ra là các DN FDI là khối DN ngoài quốc doanh không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN. “Các DN này liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài, các nghiệp vụ phát sinh phức tạp mà thời gian đối chiếu thường rất ngắn, làm sẽ rất rủi ro cho các kiểm toán viên (KTV) nói riêng và KTNN nói chung…” - ông Luận chia sẻ.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật có liên quan đến tài sản công khi thực hiện liên doanh với nước ngoài, PPP có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì KTNN có thể cần tiến hành kiểm toán để xác định giá trị tài sản công bị thiệt hại và xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, đầu tư nước ngoài chịu điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, đồng thời phải tuân thủ các hiệp định quốc tế mà nước ta đã tham gia, nhất là Hiệp định bảo đảm đầu tư, do đó các cơ quan giám sát luật pháp khi thực hiện chức năng của mình cần quan tâm đến các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên thừa nhận, cho đến nay KTV của KTNN mới thực hiện kiểm toán một số mắt xích rất nhỏ trong quá trình này như kiểm toán công tác quản lý thuế, đất đai, kiểm toán môi trường và cũng chưa có các chuyên đề kiểm toán riêng cho loại hình đặc biệt này.

Ngoài ra một loạt lúng túng, bất cập được lãnh đạo KTNN chỉ ra. Đó là: công tác phối hợp giữa KTNN và các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều trở ngại do cơ sở pháp lý còn chưa rõ ràng, đặc biệt là về đối tượng, nội dung kiểm toán; Các chính sách và biện pháp thực thi chính sách thu hút vốn đầu tư FDI thường rất phức tạp, bao gồm nhiều khía cạnh như kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, xã hội, bản thân các dự án FDI cũng có quy mô lớn và ngày càng có xu hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, phức tạp nên cũng đòi hỏi KTV phải tích cực cập nhật kiến thức để am hiểu được các lĩnh vực mới.

Dẫn Điều 4 Luật KTNN 2015, trong đó quy định “Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”, theo Ths Đoàn Huy Vinh, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VIII, KTNN phải thực hiện kiểm toán công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, trong đó việc quản lý các DN FDI là rất cần thiết

Tuy nhiên, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên băn khoăn khi cho rằng cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện kiểm toán việc ban hành chính sách và đánh giá việc thực thi chính sách thu hút vốn đầu tư FDI còn chưa rõ ràng, chưa theo đúng tinh thần của Hiến pháp và quy định của Luật KTNN.

“Do đó, cần làm rõ các vấn đề lý luận về cơ sở pháp lý của KTNN trong kiểm toán việc ban hành chính sách, việc thực thi chính sách và quản lý nhà nước đối với các dự án FDI…” - ông Tiên đề nghị.

Thanh Thanh