|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kiểm soát thủy sản xuất đường bộ sang Trung Quốc

21:55 | 29/03/2018
Chia sẻ
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, trong năm 2017 xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bằng đường biển tăng chiếm 56% và đường bộ chiếm 44%, tuy nhiên kiểm soát chất lượng, thủ tục kể cả chất lượng thủy sản theo chuẩn là vấn đề lớn khi xuất khẩu đường bộ.
kiem soat thuy san xuat duong bo sang trung quoc Bà Rịa-Vũng Tàu ráo riết chạy đua để EU gỡ bỏ 'thẻ vàng' thủy sản xuất khẩu
kiem soat thuy san xuat duong bo sang trung quoc Nhận diện thách thức với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ

“Đây là câu hỏi rất lớn, vì xuất qua Trung Quốc bằng đường bộ thì vấn đề kiểm soát chất lượng, các thủ tục rồi hàng hóa không có chất lượng theo tiêu chuẩn sẽ gây ảnh hưởng chung đến cả ngành”, ông Hòe nói.

kiem soat thuy san xuat duong bo sang trung quoc
Ảnh minh họa

Trước đó, VASEP đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và áp dụng việc cấp và kiểm tra Chứng thư trước thông quan theo quy định bắt buộc đối với tất cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch của Trung Quốc từ năm 2008 đã thỏa thuận hợp tác về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất nhập khẩu. Theo đó, tất cả các lô hàng xuất khẩu thủy sản giữa hai nước đều phải kèm theo Chứng thư vệ sinh (Chứng thư) do cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

Tuy nhiên, hiện nay do phía Trung Quốc hầu như không kiểm soát chứng thư đối với hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ qua biên giới, nên các lô hàng xuất khẩu dạng này hầu như không có chứng thư vệ sinh. Chính điều này khiến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc không được kiểm soát một cách đầy đủ, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu hàng thủy sản Việt Nam.

Với mục tiêu đẩy mạnh việc xuất khẩu ổn định thủy sản sang thị trường Trung Quốc và tránh những tác động tiêu cực, VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và áp dụng việc cấp và kiểm tra chứng thư trước thông quan theo quy định bắt buộc đối với tất cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu nhiều nông lâm thủy sản của Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của thị trường Trung Quốc ngày càng gia tăng. Dự kiến Trung Quốc sẽ là thị trường lớn cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam trong những năm tới.

Theo VASEP, trong 10 năm trở lại đây, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng mạnh, trong đó, tôm và cá tra là hai sản phẩm có giá trị nhập khẩu từ Việt Nam cao nhất. Hiện nay, có gần 40 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc thông qua cửa khẩu cảng Cát Lái (TP.HCM), cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Móng Cái - Quảng Ninh); cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn); cửa khẩu Nà Lạn và Tà Lùng (Cao Bằng).

Báo cáo Xuất nhập khẩu 2018 của Bộ Công thương cũng ghi nhận xuất khẩu tôm qua thị trường Trung Quốc đạt 683,2 triệu USD, tăng 56,8% là mức tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường. Dự báo Trung Quốc có thể vượt qua Nhật trở thành thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong quý I/2018. Với cá tra, xuất khẩu mặt hàng này qua Trung Quốc năm ngoái cũng đạt tới 410 triệu USD, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của DN Việt, tăng 34,8%...

Cũng vậy, theo thống kê của VASEP, 11 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 373,3 triệu USD, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm gần 23% tổng xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Tuy nhiên, ông Hòe nhận định rằng thị trường Trung Quốc xuất khẩu tốt nhưng tính ổn định không cao và đầy rủi ro vì những quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi. Chính vì vậy VASEP đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ, giúp DN có thông tin tương đối đầy đủ, toàn diện và dự báo những xu hướng có thể xảy ra qua giao thương với thị trường Trung Quốc.

Bộ Công thương nên công bố số lượng tương đối cụ thể và có danh sách nhà nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giúp cho thị trường này ổn định hơn. Bộ Công thương cần thông tin các quy định chính sách cũng như các phụ lục xung quanh các ngành hàng để DN chuẩn bị.

Minh Lâm