|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kiếm lời từ cổ phiếu thủy sản trong tuần biến động mạnh của VN-Index

08:25 | 03/03/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán ghi nhận một tuần biến động mạnh sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Hàng loạt cổ phiếu giảm sâu chỉ trong một phiên duy nhất, ngoại trừ một số mã thủy sản vẫn tích cực bứt phá.

Kiếm lời từ cổ phiếu thủy sản trong tuần biến động mạnh của VN-Index   - Ảnh 1.

Sau hai tuần đầu năm tăng điểm tích cực, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh trở lại trong tuần qua với nền tảng thanh khoản tiếp tục gia tăng. Kết phiên 1/3, VN-Index giảm nhẹ (0,9%) so với cuối tuần trước xuống 979,63; HNX-Index tăng 0,44 điểm (0,4%) lên 107,26 điểm.

Thanh khoản trong tuần tiếp tục được cải thiện với khoảng hơn 5.400 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 9,2% lên 23.803 tỉ đồng); giá trị giao dịch trên HNX tăng 42,6% lên 3.501 tỷ đồng.

Với việc thị trường giảm điểm trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành chính đều diễn biến tiêu cực. Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng giảm mạnh nhất tuần với 1,9% giá trị vốn hóa, gồm VNM (-5%), SAB (- 2%), BHN (-1%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường là ngân hàng giảm 1,5% giá trị vốn hóa với CTG (- 1,4%), BID (-3,4%), VPB (-2,1%), ACB (-1,6%), TCB (- 4%)...

Chiều ngược lại, nhóm dược phẩm và y tế có một tuần giao dịch tích cực khi tăng 8,2% gồm DHG (+16,7%), PME (+9,1%), DCL (+15,6%)…

Nhìn chung, tâm lý trên thị trường vẫn duy trì được sự tích cực và nếu không có thông tin tiêu cực từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dẫn đến tâm lý bán mạnh trong phiên thứ 5 thì khả năng thị trường đã có thể tiếp tục đà tăng.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VNM, VHM và VIC khi lấy đi của chỉ số lần lượt 3,87, 2,15 và 1,85 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất là DHG, GAS và POW khi đóng góp lần lượt 0,68, 0,41 và 0,36 điểm.

Kiếm lời từ cổ phiếu thủy sản trong tuần biến động mạnh của VN-Index   - Ảnh 2.

Trong tuần, cổ phiếu GTN (CTCP GTNfoods) và HVG của "Vua cá tra" Hùng Vương (CTCP Hùng Vương) đều tăng trần ba phiên liên tiếp hay AGF (CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang) tăng trần 4 phiên. Nổi bật là trường hợp của DAT (CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản), cổ phiếu đã tăng kịch trần 8 phiên liên tục, chỉ dừng tham chiếu kết phiên 28/2 và lại tăng trần vào 1/3. Ngược lại, cổ phiếu mới niêm yết là HUB ( giảm sàn 4 phiên kể từ khi chính thức giao dịch ngày 26/2.

Kiếm lời từ cổ phiếu thủy sản trong tuần biến động mạnh của VN-Index   - Ảnh 3.

Trên sàn HNX, cổ phiếu L61 (CTCP Lilama 69-1) và TAR (CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An) bật tăng mạnh. Ngược lại, VIE (CTCP Công nghệ Viễn thông Viteco) giảm mạnh do chạm sàn 7 phiên liên tục.

Tại UPCoM, BOT (CTCP BOT Thái Hà) tăng mạnh nhất tuần (59%) nhưng TVG (CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải giảm nhiều nhất (50%). Tính chung cả tháng 2, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 554 tỉ đồng trên thị trường UPCoM và tập trung mua ròng cổ phiếu VEA (Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP).

Chiều ngày 1/3, quỹ db x-trackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF công bố kết quả tái cơ cấu danh mục quý I/2019. Theo đó, danh mục FTSE Vietnam Index tiếp tục giữ nguyên. Trong một diễn biến khác, FTSE Vietnam All-Share Index thêm EIB, KDH và loại cổ phiếu HBC.

Quỹ db x-trackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF do Deutsche Bank quản lý và đầu tư dựa trên chỉ số cơ sở FTSE Vietnam Index. Tính đến ngày 27/2, tổng tài của quỹ FTSE Vietnam Swap UCITS ETF là 312, 883 triệu USD. Ngày 9/3, quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF) sẽ công bố kết quả cơ cấu danh mục quý I/2019 của chỉ số MVIS Vietnam Index.

Anh Túc