|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kịch bản tỉ giá tháng 5

07:27 | 07/05/2019
Chia sẻ
Tỉ giá xác lập mặt bằng mới hay sẽ bình ổn lại như trong 3 tháng đầu năm?
Kịch bản tỉ giá tháng 5 - Ảnh 1.

Ảnh: QH

Tỉ giá USD/VND đã tăng mạnh trong những ngày cuối tháng 4 mà nguyên nhân quan trọng nhất đến từ việc thị trường “đón hụt” một nguồn cung ngoại tệ lớn. Tuy nhiên, tỉ giá nhiều khả năng sẽ bình ổn trở lại trong tháng 5.

Cơn sóng bất ngờ

Chỉ trong khoảng 10 ngày cuối tháng 4, tỉ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng vọt từ mức 23.200 đồng lên 23.300 đồng, xác lập mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2019. Nếu chỉ xét về mặt con số thì mức tăng 100 điểm, tương đương gần 0,5%, chưa phải là quá lớn, nhưng đó là một sự dịch chuyển đột biến so với cùng kỳ các năm trước.

Kể từ năm 2016, khi Ngân hàng Nhà nước chuyển sang áp dụng cơ chế điều hành theo tỉ giá trung tâm, tỉ giá luôn đi ngang hoặc giảm trong tháng 4 trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường luôn áp đảo so với lực cầu. Sự áp đảo đó được thể hiện qua việc cán cân thương mại luôn thặng dư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dù không phải quá ấn tượng nhưng cũng đạt mức trung bình khá - luôn giải ngân trên 1 tỉ USD trong tháng 4.

Nhìn rộng ra, suốt từ năm 2010 đến nay,  cũng chỉ có 2 năm tỉ giá tăng trong tháng 4. Mức tăng 100 điểm tưởng chừng khá khiêm tốn của tháng 4.2019 này lại là con sóng lớn nhất trong cả thập niên. Vậy đâu là động lực thúc đẩy tỉ giá làm nên lịch sử trong những ngày vừa qua?

Về mặt cân đối vĩ mô, cung cầu ngoại tệ thực ra vẫn ổn, thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ trong tháng 4. Nhưng vấn đề nằm ở sự tự tin hơi quá mức của hệ thống ngân hàng. Trong nửa đầu tháng 4, các ngân hàng thương mại đã rất tích cực bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước, kể cả khi trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống đã chuyển sang âm. Nếu trạng thái đang dương thì việc bán ngoại tệ còn có thể được hiểu là xử lý bớt phần ngoại tệ dư thừa, nhưng khi trạng thái đã âm (tức không có sẵn ngoại tệ) mà vẫn bán ngoại tệ thì đây rõ ràng là động thái bán khống (bán trước và chờ đợi mua lại ở giá thấp hơn trong tương lai).

Kịch bản tỉ giá tháng 5 - Ảnh 2.

Sở dĩ họ tự tin bán mạnh ngoại tệ như vậy là để đón đầu một giao dịch mua vốn cổ phần lớn, hứa hẹn sẽ bơm cả tỉ USD vào thị trường trong tháng 4. Tuy nhiên, khi thị trường đang sốt ruột trông ngóng, phía nhà đầu tư Hàn Quốc đột ngột từ chối xác nhận thông tin về khoản đầu tư 1 tỉ USD vào một doanh nghiệp Việt Nam. Vậy là sự thất vọng lên đến đỉnh điểm và cảm giác lo lắng bắt đầu lan tràn trên toàn thị trường. Xin nhắc lại, các ngân hàng thương mại chấp nhận giữ trạng thái âm lớn (có lúc âm đến 600 triệu USD) là vì họ kỳ vọng rằng nguồn cung lớn sắp về. Bây giờ, khi nguồn cung đó tạm thời chưa xuất hiện, họ phải mua vào để đóng trạng thái âm và tỉ giá đi lên là điều gần như tất yếu.

Giữa lúc thị trường đang lo lắng, một loạt chỉ số phụ khác cũng đồng loạt gây thêm áp lực lên tỉ giá USD/VND. Chừng ấy yếu tố cộng hưởng lại, con sóng tăng 100 điểm của tỉ giá liên ngân hàng trở nên khá dễ hiểu.

Trở lại trật tự cũ?

Câu hỏi tiếp theo đối với tỉ giá là nó sẽ xác lập một mặt bằng mới, hay sẽ bình ổn trở lại như trong 3 tháng đầu năm? Kịch bản thứ 2 có vẻ dễ trở thành hiện thực hơn trong tháng 5 này. Thứ nhất, cung cầu ngoại tệ của hệ thống vẫn đang ổn. Ngay cả trong tháng 4 thì nguồn cung vẫn chiếm ưu thế và tỉ giá tăng chỉ là vì các ngân hàng bán ngoại tệ về cho Ngân hàng Nhà nước hơi “quá tay”.

Kịch bản tỉ giá tháng 5 - Ảnh 3.

Số liệu cán cân thương mại kỳ tới được dự báo là tương đối khả quan và 1-2 tuần đầu tháng thường là thời điểm mà khối doanh nghiệp FDI bán ngoại tệ để có nguồn VND thanh toán, trả lương... Các nhu cầu mua ngoại tệ lớn cũng thường không phát sinh trong tháng 5, nghĩa là trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống dự kiến sẽ sớm trở về mức cân bằng, thậm chí dương.

Thứ 2, USD đang có dấu hiệu hạ nhiệt trên cả thị trường tự do lẫn quốc tế. Tính đến đầu ngày 3.5, chỉ số USD Index đang giao dịch quanh mức 97,2, tức giảm hơn 1% trong vòng chưa đầy một tuần lễ. Tỉ giá USD/VND tự do cũng giảm đáng kể và giờ đây chỉ còn giao dịch quanh mức 23.300 đồng.

Thứ 3, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD dự kiến sẽ tăng lại vào đầu tháng 5. Với việc Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phát hành tín phiếu trở lại vào cuối tháng 4, mức độ dư thừa VND sẽ giảm bớt và chênh lệch lãi suất giữa VND/USD ở kỳ hạn qua đêm nhiều khả năng sẽ tăng lại mức 1-1,5% thay vì 0% như tuần cuối cùng của tháng 4.

Như vậy, nhiều khả năng tỉ giá USD/VND liên ngân hàng sẽ bình lặng trở lại trong tháng 5 này. Quay về mức 23.200 đồng hay không thì khó nói, nhưng có thể chúng ta sẽ phải chờ khá lâu để con số 23.300 đồng tái xuất trên các màn hình giao dịch...

Trương Quang Hải - Chuyên gia phân tích tỉ giá