|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kịch bản nào cho VN-Index trong tháng 8?

11:00 | 05/08/2022
Chia sẻ
Sau nỗ lực phục hồi vào cuối tháng 7, thanh khoản thị trường được dự báo sẽ tích cực hơn trong thời gian tới đây với sự trở lại của dòng tiền lớn. Nhóm phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) mới đây đã đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 8.

Theo báo cáo vĩ mô thị trường tháng 7 của Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index và HNX-Index trong tháng 7 chứng kiến những pha giảm điểm vào giai đoạn đầu tháng tuy nhiên sau đó đã hồi phục tích cực trở lại và duy trì cho đến hết tháng.

VN-Index và HNX-Index tăng lần lượt 0,73% và 3,94% so với tháng 6. Nhịp điều chỉnh giảm của VN-Index có phần tiêu cực hơn so với HNX-Index khi đã có thời điểm VN-Index chạm ngưỡng 1.145 điểm. P/E VN-Index kết thúc tháng 7 ở mức 12,87 lần, giảm gần 1,32% so với tháng 6, và thấp hơn mức 16,28 lần P/E bình quân 5 năm.

Theo các nhà phân tích của BSC, P/E VN-Index tiếp tục ở mức định giá hấp dẫn khi đứng thứ 6 châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 17,19 lần, đứng thứ 15 khu vực. P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 13 - 13,5 khi thanh khoản thị trường cải thiện cùng tâm lý tích cực giữ vai trò chủ đạo.

Nguồn: Bloomberg, BSC Research.

Sự hồi phục sau giai đoạn điều chỉnh đầu tháng bên cạnh diễn biến tích cực của dòng tiền ở giai đoạn cuối tháng đã giữ nhịp tăng điểm cho 6/11 nhóm ngành và các nhóm còn lại bớt phần tiêu cực hơn.

Theo thống kê, nhóm viễn thông, công nghiệp, ngân hàng là 3 nhóm ngành có diễn biến tăng điểm tích cực nhất khi tăng lần lượt: 27,13%, 4,52% và 4,12%. Nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng, dầu khí và tiện ích cộng đồng là 3 nhóm ngành giảm điểm tiêu cực nhất với mức giảm lần lượt: 8,02%, 6,17%, và 2.26%.

Có 6/11 nhóm ngành có P/E dưới mức bình quân thị trường 16,28 lần. Chỉ có 4/11 ngành có P/B tăng so với tháng 6.

Vốn hóa toàn thị trường tháng 7 tăng nhẹ 1,39% so với thời điểm 30/6. Trong tháng 7 thị trường chứng kiến nhịp điều chỉnh khá mạnh ở giai đoạn đầu tháng, VN-Index giảm 3 phiên liên tiếp, ngày 6/7 giảm hơn 2,6% và có thời điểm VN-Index đã chạm mốc 1.142,8 điểm, tuy nhiên tâm lý tích cực đã quay trở lại, thanh khoản được cải thiện ở giai đoạn cuối tháng đã giúp VN-Index kết thúc trên ngưỡng 1.200 điểm.

Giá trị giao dịch bình quân đạt 589 triệu USD/phiên giảm 22,24% so với tháng 6. Thanh khoản sụt giảm mạnh khi tâm lý tiêu cực, thận trọng giữ vai trò chủ đạo khi thị trường chờ đợi những thông tin trong nước cũng như diễn biến trên thế giới.

Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,8 - 1 tỷ USD/phiên khi VN-Index diễn biến trong kịch bản hướng tới 1.300 – 1.320 điểm, tâm lý tích cực và dòng tiền quay trở lại trên thị trường.

Nhận định về diễn biến thị trường trong tháng 8, các nhà phân tích của BSC dự báo 2 kịch bản với VN-Index.

Với kịch bản 1, VN-Index cân bằng ở ngưỡng 1.200 điểm đồng thời hướng đến vùng 1.300 – 1.320 điểm khi thanh khoản cải thiện cùng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường. Nền kinh tế tiếp tục cho thấy tín hiệu khả quan bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khơi thông nguồn vốn tín dụng… cùng diễn biến khả quan từ khối ngoại.

Thị trường dự báo sẽ tiếp tục phân hóa dựa trên kết quả kinh doanh quý II. Các doanh nghiệp cơ bản tốt đang ở vùng định giá hấp dẫn có thể là điểm đến của dòng tiền trong giai đoạn này.

Với kịch bản còn lại, dấu hiệu suy thoái kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế phát triển khác ngày một rõ nét, bên cạnh sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc khi dịch bệnh COVID tiếp tục diễn biến phức tạp đi kèm cuộc khủng hoảng ở lĩnh vực bất động sản tiếp tục diễn biến khó lường.

Sau nhịp hồi phục, tâm lý tiêu cực quay trở lại có thể lấn át những nỗ lực hồi phục trước đó. Xu hướng bán ròng tiếp diễn ở khối ngoại khi “cuộc đua nâng lãi suất” của các ngân hàng trung ương chưa có dấu hiệu dừng lại, thanh khoản chưa cho thấy sự cải thiện rõ rệt. VN-Index được dự báo dao động quanh 1.200 điểm. 

 Nguồn: Tradingview, BSC Research .

Thu Thảo