|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kịch bản nào cho Seaprodex khi lên UPCoM?

14:21 | 12/12/2016
Chia sẻ
Năm 2014, khi “ế” hơn 15 triệu cổ phần trong đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), Tổng công ty thủy sản Việt Nam (Seaprodex) lý giải rằng, mặc dù có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, nhưng vì do dự nên đã rút lui ở phút chót. 

Sau 2 năm, với những thay đổi về hoạt động kinh doanh và cơ cấu cổ đông, Seaprodex có còn hấp dẫn nhà đầu tư khi lên sàn?

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Seaprodex cho hay, dự kiến ngày 20/12 tới đây, doanh nghiệp này sẽ đưa 125 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM (mã SEA).

Sau cổ phần hóa, Seaprodex có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, với 2 cổ đông chính là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm giữ 63,38% vốn (79,2 triệu cổ phiếu) và nhóm cổ đông liên quan đến CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) nắm 35% vốn.

Trong ngành thủy sản, Seaprodex có bề dày gần 40 năm hoạt động. Hai mảng kinh doanh mang về nguồn thu chính là chế biển thủy sản xuất khẩu và kinh doanh thương mại, lần lượt chiếm tỷ trọng 54,75% và 31,21% trong tổng doanh thu năm 2015.

Tính đến ngày 31/12/2015, Seaprodex đang đầu tư vào 24 công ty, với tổng giá trị vốn đầu tư là 950,1 tỷ đồng, chiếm 76,01% vốn điều lệ Tổng công ty, trong đó gồm 3 công ty con, 9 công ty liên doanh-liên kết và 12 công ty đầu tư tài chính.

Các khoản đầu tư được đánh giá cao và có hiệu quả của Seaprodex là tại 3 công ty con: CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội (tỷ lệ sở hữu 59,34%), CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (50,78%), CTCP Cơ khí đóng tàu thủy sản Việt Nam (62,37%) và CTCP Sản xuất thức ăn gia súc Việt – Pháp (17,47%).

Trước thời điểm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, từ 2011-2014, doanh thu hợp nhất hàng năm của Seaprodex dao động từ 3.459-3.664 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 144 tỷ đồng, 33 tỷ đồng, 105 tỷ đồng và 187 tỷ đồng. Năm 2015, Seaprodex đạt doanh thu 1.346,8 tỷ đồng và lãi trước thuế 72,42 tỷ đồng, chỉ bằng 37% và 38,6% cùng kỳ 2014.

Gặp khó vì… bất động sản

Với lợi thế sở hữu quỹ “đất vàng” và cổ đông chiến lược Geleximco, bên cạnh thủy sản, chiến lược phát triển của Seaprodex sau cổ phần hóa được mở rộng thêm lĩnh vực bất động sản. Năm 2015, Seaprodex đã triển khai 7 dự án, tập trung vào phân khúc trung tâm thương mại và khách sạn. Trong đó, có các dự án tại vị trí đắc địa như như dự án số 2-4-6 Đồng Khởi, TP. HCM, diện tích gần 1.900 m2; dự án 211 Nguyễn Thái Học, TP. HCM, diện tích 243 m2; dự án số 2 Ngô Gia Tự, Hà Nội, diện tích 6.000 m2…

Tuy nhiên, Seaprodex cho biết, các dự án khi triển khai đều gặp nhiều vướng mắc, cả về khách quan lẫn chủ quan, nên không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Đáng chú ý trong đó là dự án trụ sở, văn phòng và khách sạn tại số 2-4-6 Đồng Khởi và số 21 Ngô Đức Kế, quận I, TP. HCM.

Khu đất số 2-4-6 Đồng Khởi có diện tích 1.892 m2, vốn là trụ sở của Seaprodex, dự kiến được hợp khối với khu đất số 21 Ngô Đức Kế có diện tích 380 m2 để xây dựng tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại có quy mô trên 20 tầng, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 1.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 5/2016, dự án này đang tạm thời bị dừng lại do các cổ đông lớn phát sinh mâu thuẫn. Hiện vụ việc đã được các bên báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Kế hoạch tương lai

Trong năm 2015, năm đầu tiên sau cổ phần hóa, Seaprodex thừa nhận, hoạt động của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn do: HĐQT chưa thống nhất trong phương hướng phát triển Tổng công ty, việc tạm dừng thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư tại các công ty con, liên kết và đầu tư dài hạn theo chủ trương của Nhà nước…

Trong chiến lược phát triển các năm tới, Seaprodex cho biết, bên cạnh việc xem xét gia tăng vốn đầu tư tại đơn vị kinh doanh hiệu quả, Tổng công ty sẽ tiếp tục thoái vốn tại các đơn vị hoạt động không hiệu quả, nguy cơ mất vốn cao, hoặc có tổng giá trị đầu tư lớn, nhưng không được chia cổ tức…

Năm 2016, cơ cấu cổ đông của Seaprodex có sự thay đổi đáng chú ý khi xuất hiện cổ đông lớn mới là CTCP Nova Bắc Nam 79. Công ty này vừa mua vào 25,125 triệu cổ phần, qua đó nắm 20,01% vốn của Seaprodex từ ngày 14/6/2016. Ngược lại, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp miền Nam – tổ chức thuộc nhóm cổ đông liên quan đến Geleximco, đã bán ra 10% cổ phần, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ tại Seaprodex xuống còn 15%.

Khi lên sàn, những sự thay đổi trên, cùng với kế hoạch thoái vốn của cổ đông Nhà nước xuống dưới 51% là cơ hội cho Seaprodex tìm kiếm các nhà đầu tư mới, có thể khai thác những lợi thế hiện tại của Tổng công ty. Theo nguồn tin nội bộ của Seaprodex, sẽ có một cuộc biến chuyển lớn về cơ cấu cổ đông của Seaprodex sau khi doanh nghiệp này lên sàn.

Anh Quốc