|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kịch bản Habeco có lặp lại đối với cổ phiếu Sabeco?

10:02 | 06/12/2016
Chia sẻ
Với mức giá chào sàn là 110.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của Sabeco ước tính khoảng hơn 3 tỷ USD.

Trong thời gian gần về cuối năm, không khí thị trường khá trầm lặng thì các cổ phiếu mới lên sàn thuộc nhóm vốn hóa lớn đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.

Sau khi Habeco lên sàn Upcom, ngày 25/11/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã chấp thuận Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) niêm yết trên HOSE.

Theo đó, ngày 06/12/2016, cổ phiếu của Sabeco sẽ chính thức giao dịch trên sàn HSX với mã chứng khoán là SAB với giá tham chiếu là 110.000 đồng/cổ phiếu và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.

Theo bài giới thiệu niêm yết, Sabeco có vốn điều lệ gần 6.413 tỷ đồng, tương ứng 641,28 triệu cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Với mức giá chào sàn là 110.000 đồng/cổ phiếu thì vốn hóa thị trường của Sabeco ước đạt 70.540 tỷ đồng, tương ứng hơn 3 tỷ USD.

Về hoạt động kinh doanh, hiện bia là lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn nhất của Sabeco, chiếm trên 87% tổng doanh thu của Tổng Công ty trong năm 2014 và 2015. Mảng rượu và nước giải khát chiếm tỉ trọng không đáng kể. Các sản phẩm bia chủ lực của Tổng Công ty: gồm có Bia Lon Sài Gòn 333, Bia Chai Sài Gòn 355, Bia Chai Sài Gòn 450, Bia Chai Sài Gòn 330, Bia Lon Sài Gòn 330.

Triển vọng phát triển của ngành

Hiện Sabeco đang chiếm tới 40,59% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam, Sabeco là doanh nghiệp bia duy nhất sở hữu hệ thống 23 nhà máy sản xuất cũng như hệ thống phân phối phủ dọc từ Bắc tới Nam. Triển vọng tăng trưởng của Sabeco trong những năm tới được đánh giá vẫn rất tích cực.

Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán BSC đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng về tiêu thụ bia của Thế giới, nhờ (1) Sản lượng bia tiêu thụ trên đầu người của Việt Nam đang ở mức vừa phải, tiêu thụ bia trên đầu người khoảng 57,09 lít bia, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 92,07 lít của nhóm 25 nước tiêu thụ bia nhiều nhất Thế giới; (2) Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, nhìn chung cơ cấu dân số Việt Nam vẫn tập trung nhiều ở độ tuổi 15 – 54 (61,91%), đây là điểm hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất bia và (3) Tầng lớp trung lưu và giàu có tiếp tục tăng nhanh, dự báo sẽ tăng gấp đôi lên tới 33 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số Việt Nam đến năm 2020.

Dù vậy, một đặc điểm đáng ngại đối với Saabeco đó chính là sức ép cạnh tranh khốc liệt từ các công ty thuộc phân khúc Bia cao cấp như Heineken, Sapporo...

Theo Euromonitor International, đến năm 2020, doanh số tiêu thụ được dự báo đạt 218.292 tỉ Đồng, trong đó bia phân khúc cao cấp là 35.925 tỉ đồng (tỉ trọng 16,5% tổng doanh số tiêu thụ). Thị trường bia cao cấp có biên lợi nhuận cao nhất nhưng hiện Sabeco vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp. Năm 2015, Sabeco chỉ chiếm thị phần khiêm tốn 9,2%.

Sabeco cho biết, năm 2015 Sabeco đã tập trung nguồn lực để đầu tư cho phân khúc này thông qua việc nâng cấp sản phẩm Saigon Special, và làm mới hình ảnh của thương hiệu bia truyền thống “333”, qua đó thể hiện quyết tâm của Sabeco trong việc cạnh tranh với các đối thủ ở phân khúc cao cấp.

Ngoài ra, Sabeco sẽ đối mặt với những khó khăn khi thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng. Thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia đã có sự gia tăng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (năm 2014). Theo đó, thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu (trên 20 độ) và bia từ đầu năm 2016 là 55% (tăng 5% so với năm 2015), năm 2017 là 60% và năm 2018 là 65%. Trong 9 tháng đầu năm, Sabeco đã đóng hơn 5.000 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt.

Kịch bản của Habeco có lặp lại?

Trước thời điểm Sabeco lên sàn, 232 triệu cổ phiếu BHN của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), đã làm náo loạn thị trường Upcom. Với giá tham chiếu khởi điểm là 39.000 đồng một cổ phần.Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu BHN đã tăng kịch trần từ mức tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu lên 54.600 đồng/cổ phiếu, sau đó lập chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp kể từ khi chào sàn. Nhưng rất nhanh sau đó, cổ phiếu này giảm mức 144.700 đồng xuống còn 109.800 đồng/cổ phiếu vào chốt phiên giao dịch ngày 05/10/2016.

Với khoảng hơn 2 triệu cổ phiếu trên thuộc sở hữu 641 nhà đầu tư gồm 617 cá nhân trong nước (1.332.000 cổ phiếu), 18 cá nhân nước ngoài (61.300 cổ phiếu), 5 tổ chức trong nước (442.400 cổ phiếu) và 1 tổ chức nước ngoài (173.700 cổ phiếu) thì việc cổ phiếu BHN bị đội giá lên cao theo các công ty chứng khoán là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Theo sổ cổ đông chốt ngày 06/10/2016, Sabeco có 1.227 cổ đông trong đó 01 cổ đông lớn (Bộ Công thương) nắm giữ 574.519.134 cổ phiếu chiếm 89,59%; Cổ đông nước ngoài nắm giữ 60.225.089 cổ phiếu chiếm 9,39%.

Như vậy, số lượng cổ phiếu lưu hành tự do được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước chỉ còn khoảng 6,53 triệu cổ phiếu, tương đương chỉ khoảng 1% vốn điều lệ. Do đó, kịch bản của cổ phiếu SAB được không ít dự báo sẽ không khác nhiều so với Habeco.

Các chuyên gia phân tích dự báo cổ phiếu SAB sẽ tăng trong ngắn hạn cho đến khi nhà đầu tư quyết định chốt lời. Việc đua trần đối với các cổ phiếu mới lên sàn cũng được khuyến nghị là cơ hội không thực sự rõ ràng khi giá dễ dàng bị đẩy lên cao.

Hoàng Trung