Khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã phát triển để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn, thị trường trái phiếu nếu không được kiểm soát hiệu quả.
Bộ Tài chính đã có nhiều khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư.
Theo đó, Bộ Tài chính lưu ý trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.
Vì vậy, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.
Khác với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán để chào bán cho không giới hạn nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép.
Với sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây, một số nhà đầu tư cá nhân đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại).
Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải hết sức lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Do đó, Bộ Tài chính lưu ý, nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này. Trường hợp nhà đầu tư dùng các cách thức không đúng quy định pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì cả nhà đầu tư và tổ chức cung cấp dịch vụ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.
Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Trường hợp trái phiếu doanh nghiệp được giới thiệu là có bảo lãnh thì nhà đầu tư phải lưu ý phân loại là trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành.
Theo Bộ Tài chính, bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư.
Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
Đặc biệt, Bộ Tài chính nhấn mạnh, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).
Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.
Theo Bộ Tài chính, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Như vậy, trước khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư cần hiểu rõ quy định pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để đảm bảo mình đủ điều kiện được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đồng thời, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ vay, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành) và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp; mục đích phát hành trái phiếu; tài sản đảm bảo của trái phiếu; đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.
Sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, đánh giá đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu. Nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu.
Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Đặc biệt các nhà đầu tư cần thận trọng khi tham gia các hợp đồng hợp tác đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp theo pháp luật dân sự cùng với các cá nhân, tổ chức nào khác vì rủi ro xảy ra là rủi ro của nhà đầu tư theo pháp luật dân sự.
Để tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngày 20/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính có công văn số 4078/BTC-VP chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán, các công ty kiểm toán độc lập. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả các chủ thể trên thị trường được biết.
Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4, cụ thể khối lượng phát hành trong tháng 1 là 55,9 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành trong tháng 3 là 48,8 nghìn tỷ đồng, tháng 4 là 30,6 nghìn tỷ đồng.
Từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại; trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44,2 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành tháng 6/2022 khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng.
Về hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/