|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khuyến khích tăng giá mua điện của các dự án điện gió

15:14 | 10/08/2017
Chia sẻ
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng liên quan tới đề xuất bổ sung, điều chỉnh Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
khuyen khich tang gia mua dien cua cac du an dien gio Dân 19 nước bán điện không hết, Việt Nam vẫn lo xây thuỷ - nhiệt điện
khuyen khich tang gia mua dien cua cac du an dien gio Năm 2050, Việt Nam sẽ xuất khẩu thiết bị điện gió, điện mặt trời ra thế giới

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, là rất có tiềm năng. Điện gió, điện mặt trời... được đánh giá sẽ giúp Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch và gia tăng yêu cầu nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện.

Mặc dù đã có những chủ trương rõ ràng thể hiện qua các quyết định và cơ chế, đến nay, đầu tư xây dựng các dự án điện gió tại Việt Nam vẫn còn hạn chế do cơ chế gió điện gió chưa đủ mức độ khuyến khích. Phó Thủ tướng khuyến khích điều chỉnh tăng giá mua điện của các dự án điện gió nối lưới để thúc đẩy đầu tư xây dựng các dự án này.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực được ghi nhận trong nhiều năm qua, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương bổ sung các kinh nghiệm quốc tế về quy định giá mua điện của các dự án điện gió tại các khu vực khác nhau.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát, xem xét mức giá mua điện của các dự án điện gió, xem xét quy định về thời gian áp dụng cơ chế giá mua điện của các dự án này đến hết năm 2020. Trong giai đoạn sau 2020, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương cần điều chỉnh đánh giá tác động của việc phát triển điện gió đến giá bán lẻ điện tới năm 2030.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương có thêm trách nhiệm về việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giá điện gió sau 2020, kể cả cơ chế đấu thầu các dự án điện gió trong tương lai. Trước những vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương được yêu cầu hoàn thiện dự thảo bổ sung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/8/2017.

khuyen khich tang gia mua dien cua cac du an dien gio
Dự báo, đến năm 2050, 43% sản lượng điện Việt Nam sẽ từ các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.

Trước đó, tại hội thảo quốc tế công nghệ mới về nguồn, lưới điện, năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 3 vừa qua, các chuyên gia đến từ Việt Nam và Hàn Quốc đưa ra nhiều con số cho thấy năng lượng gió, mặt trời, sinh khối đang là xu hướng tất yếu của cả thế giới.

Dự báo, năm 2020, tổng nhu cầu điện ước đạt 60.000 MW, đến năm 2050 là 129.000 MW. Hiện tại, Việt Nam đã khai thác gần hết tài nguyên thủy điện. Nguồn than đá sản xuất nhiệt điện đã phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiệt điện chạy dầu đang bộc lộ hạn chế về ô nhiễm môi trường và giá thành không ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng được các nước trên thế giới đẩy mạnh trong những năm qua. Tính hết năm 2015, 23,7% nguồn năng lượng trên thế giới được sản xuất từ thủy điện, gió, mặt trời, sinh khối… Con số này đã tăng trưởng rất nhanh bởi năm 2014 chỉ là 19,2%.

Cũng theo ông Vy, trên thế giới đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ năng lượng tái tạo hiện đại và tiên tiến. Chỉ cần một tổ điện gió là đủ cung cấp điện cho từ 8.000 đến 10.000 hộ dân. Đây là một con số rất cao và kỳ vọng sẽ thay đổi ngành điện trong tương lai.

Ông Vy đưa ra dự báo, đến năm 2050, 43% sản lượng điện Việt Nam sẽ từ các nguồn năng lượng tái tạo. Quy mô dân số năm 2050 đạt khoảng 140 triệu người, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 60 triệu người Việt Nam được sử dụng điện từ nguồn mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối….

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bà Trần Thị Thu Trà cũng đồng tình với điều này và thừa nhận việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là tất yếu và là xu hướng mà nước ta đang hướng tới. Đến năm 2020, công suất điện gió cả nước ước đạt 800 MW, năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2025 đạt khoảng 6.000 MW (gấp khoảng 2,5 lần công suất Nhà máy thủy điện Sơn La).

Về nguồn điện mặt trời, bà Trà dự báo đến năm 2025 công suất cả nước sẽ đạt 4.000 MW, đến năm 2030 là 12.000 MW, ngoài ra, điện sinh khối sẽ có sản lượng khoảng 1% năm 2020 và 1,2% tổng sản lượng điện vào năm 2025…

Tô Đức