|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam

19:52 | 18/02/2025
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam là rất cần thiết để tăng công suất cho hệ thống, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Để phát triển năng lượng, Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Chiều 18/2, tại Hà Nội, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mức 2 con số. Do đó, yêu cầu về tăng trưởng năng lượng là bắt buộc để đạt được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển năng lượng, Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

Trên thực tế, để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tháng 2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết nêu rõ, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nghị quyết 55-NQ/TW cũng nêu rõ: “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

TS Nguyễn Ngọc Thuỷ, Điều phối viên Quốc gia ETP/UNOPS cho rằng, bên cạnh Nghị quyết số 55-NQ/TW, các văn bản pháp luật khác như: Luật Điện lực, Luật Đầu tư... cũng đã đề cập đến vấn đề khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng.

Còn theo ông Philip Timothy Rose, Giám đốc ETP, việc thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện năng tại Việt Nam dự kiến lên tới trên 134 tỷ USD.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, nên sự gia tăng của điện năng là rất quan trọng. "Nếu tăng trưởng GDP tăng lên 1% thì điện phải tăng trưởng 2%", TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho biết.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, thúc đẩy tư nhân đầu tư vào lĩnh vực điện năng tại Việt Nam hiện nay vẫn còn có những cản trở, những cản trở này liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng năng lượng, thủ tục hành chính và cơ hội tiếp cận vốn.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng đối mặt với nhiều rủi ro, vì nhu cầu vốn lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, trong khi đó khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đa số là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, nên khả năng để tiếp cận nguồn vốn là vô cùng khó khăn. Vì thế, giải bài toán vốn cho doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng vẫn cần được quan tâm và bản thân khu vực tư nhân khó có thể đáp ứng được nếu không có chính sách hỗ trợ của nhà nước và các cơ quan liên quan.

Liên quan đến cơ hội tiếp cận vốn, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, đầu tư vào năng lượng yêu cầu lượng vốn lớn và thời gian hoàn vốn chậm, trong khi đó nếu vay vốn trong nước thì doanh nghiệp chịu lãi suất cao, còn nếu vốn nước ngoài thì yêu cầu phải có bảo lãnh của Chính phủ, nên tư nhân không thể vay được.

Để “gỡ khó” cho khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân khắc phục được những rào cản trên.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam và hiệu quả đầu tư các dự án năng lượng; đồng thời, cũng nhấn mạnh về vai trò, sự cần thiết của khu vực tư nhân, khi tham gia các dự án năng lượng; đồng thời, khu vực tư nhân cần phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cũng chia sẻ những thách thức khi thực hiện dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, các dự án nhiệt điện than chuyển tiếp gặp khó khăn khi ký hợp đồng do không được tài trợ vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (bối cảnh chuyển đổi năng lượng). Bên cạnh đó, các dự án chuyển tiếp hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thu xếp từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi các tổ chức này có yêu cầu cấp vốn rất chặt chẽ, cần các bảo đảm, bảo lãnh từ phía Chính phủ - cam kết chịu trách nhiệm từ phía Chính phủ.

Không những thế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ bao tiêu nhiên liệu do nhiều dự án có quy mô công suất nguồn điện lớn. Do đó, các dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây.

Hội thảo Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam nằm trong khuôn khổ dự án Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Dự án nhằm hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, cũng như phù hợp với các mục tiêu của Việt Nam đặt ra tại Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thúy Hiền