|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khủng hoảng quản trị và muôn nỗi lo sau gọi vốn

15:36 | 25/03/2019
Chia sẻ
Hiện nay, phần lớn startup Việt Nam là các công ty quy mô nhỏ, trước vòng gọi vốn Series A. Việc tiếp cận sớm với nguồn đầu tư và nhận biết những thay đổi sau đó là vấn đề mà nhiều nhà sáng lập quan tâm.

Lời chia sẻ từ một startup sau gọi vốn

Nghiêm Xuân Bách, người quản lý của Cinnamon AI Labs– công ty cung cấp giải pháp về trí tuệ nhân tạo, chia sẻ về lần gọi vốn 15 triệu USD mới đây trong hội thảo Gọi vốn 101 - Những sự thật ngầm hiểu giữa nhà đầu tư và startup ngày 21/3.

Cũng như mọi startup, những nhà sáng lập Cinnamon mừng khi nhận vốn 15 triệu USD - khoản tiền cứu một doanh nghiệp sắp kiệt quệ. Tuy nhiên, từ góc độ quản trị của ban lãnh đạo, rất nhiều vấn đề mà phải những người lãnh đạo Cinnamon phải tính đến.

Anh tâm sự: "Trước khi gọi vốn, anh em hằng ngày làm việc cùng nhau 12-15 tiếng, rất vất vả. Mọi người đều hiểu làm việc quá giờ vì công ty, đêm muộn thì cùng vắt mì gói ăn với nhau. Nhưng, sau khi có 15 triệu USD rơi vào đầu, nhiều anh em đòi thêm quyền lợi: cải thiện môi trường làm việc, gỉam giờ làm tăng lương

Xuân Bách chia sẻ, từ góc độ quản trị mới rõ ràng chủ doanh nghiệp phải tính đến tầm nhìn trong tương lai khi nhận được tiền đầu tư, đặc biệt lĩnh vực của Cinnamon vốn có thời gian bán hàng và thu tiền dài, từ 6 tháng – 1 năm. Anh nhấn mạnh những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý sau khi nhận vốn từ các nhà đầu tư.

Thứ nhất, đội ngũ lãnh đạo phải kiểm soát chi tiêu và tính đến phương án tuyển kế toán trưởng vào thời điểm cần thiết. Điều quan trọng là kiểm soát các loại chi phí phát sinh, tối ưu chi phí và xây dựng văn hoá tiết kiệm.  

Tuân thủ các quy trình để minh bạch và làm cho nhân viên hiểu tầm quan trọng của việc này là vấn đề thứ hai. Khi nhà đầu tư bỏ tiền vào, lợi ích của công ty không chỉ thuộc về những người sáng lập. Từ góc độ của nhiều người sáng lập, họ sẽ khó chịu khi phải tuân theo những quy trình khắt khe để nhà đầu tư kiểm soát tình hình và đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, quy trình khắt khe là cần thiết để tạo dựng sự tin tưởng với nhà đầu tư và duy trì mối quan hệ cộng tác tốt đẹp với họ.

Nhà sáng lập phải đối mặt thách thức về quản trị là vấn đề thứ ba. Sau gọi vốn, nhiều nhà sáng lập tập trung vào việc tăng trưởng nhanh chóng mà chưa chú trọng sự tối ưu hoá. Không ai đoán trước startup sẽ giải thể lúc nào, thậm chí từ việc khủng hoảng do tuyến dụng quá nhanh và pha loãng văn hoá. Đối với Cinnamon, họ không tăng trưởng quá nhanh và đột ngột, mà đó là một quá trình tăng trưởng đi kèm tối ưu. Thay vì tuyển dụng nhiều nhân viên một lúc, nhà sáng lập có thể chia nhỏ thành từng đợt, tránh tình trạng startup phát triển quá nhanh. Giống như việc bơm máu quá đột ngột, cơ thể sẽ không kịp thích nghi và phản ứng lại. 

Thứ tư, người lãnh đạo cần sẵn sàng đào thải những nhân tố không còn phù hợp. Đến một lúc, người đứng đầu cần phải nhìn lại và đánh giá nhân viên, đặc biệt những người quản lý cũ có thực sự phù hợp với sự phát triển của công ty. Không phải ai cũng phù hợp với một startup từ giai đoạn non trẻ ban đầu cho đến lúc phát triển và tăng trưởng. Trong nhiều trường hợp, người lãnh đạo, tuy đau lòng nhưng cần dứt khoát để một số nhân sự chủ chốt không còn phù hợp ra đi, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng chóng mặt của doanh nghiệp.

Khủng hoảng quản trị và muôn nỗi lo sau gọi vốn  - Ảnh 1.

Nghiêm Xuân Bách, người điều hành Cinnamon AI Labs Việt Nam. Ảnh: Up.

Từ câu chuyện cụ thể của một startup sau gọi vốn, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành (CEO) của ESP Capital (quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam), đã chỉ ra những cơ hội cùng thách thức đến với doanh nghiệp sau khi được rót vốn ở giai đoạn sớm.

Tầm nhìn

Với sự đồng hành của các nhà đầu tư, tầm nhìn của startup có thể thay đổi. Nếu như nhà sáng lập có tầm nhìn khiêm tốn, nhà đầu tư sẽ đặt ra những câu hỏi phản biện để họ mở rộng tầm nhìn và khai phá hết tiềm năng của công ty.  

"Nếu mô hình kinh doanh của startup có để đi ra nước ngoài và giải quyết vấn đề ở nhiều thị trường không chỉ ở Việt Nam, tại sao lại hạn chế ý tưởng đó? Nếu không phải là những người chiếm lĩnh thị trường sớm và vượt biên giới, chúng ta sẽ dễ rơi vào cái bẫy của chính mình, một khi doanh nghiệp nước ngoài lớn mạnh tràn vào", bà Vy phát biểu.

Khi kỳ vọng trở thành một doanh nghiệp khu vực hoặc toàn cầu, startup sẽ phải đặt ra những cột mốc rõ ràng, lên kế hoạch để có khách hàng và tăng trưởng, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thử nghiệm tại nước ngoài… cho đến việc mở rộng.

Sản phẩm

Tầm nhìn chỉ là yếu tố ban đầu, để chiếm thị trường thật nhanh, CEO phải xác định sự phù hợp của sản phẩm với thị trường. Bà Lê Hoàng Yên Vy nhận định, phần lớn nhà sáng lập thường thiếu một trong hai kỹ năng: kinh doanh hoặc công nghệ. Từ kinh nghiệm làm việc với giới khởi nghiệp, bà nhận thấy đội ngũ càng mạnh về công nghệ càng có thái độ quá lạc quan về sản phẩm.

Giám đốc ESP Capital chia sẻ: "Không thể nào khẳng định sản phẩm là tốt nếu không có dữ liệu thể hiện. Vì vậy, chúng tôi thường có một số 'bài tập' yêu cầu startup thực hiện để đánh giá sản phẩm đã thực sự tốt hay chưa. Một trong số 'bài tập' là vẽ hành trình khách hàng: từ đâu mà họ biết đến sản phẩm, họ tải ứng dụng, mở màn hình chính của ứng dụng, từ màn hình chính điều hướng đến dịch vụ chi tiết… cho đến việc hoàn tất thanh toán".

Với cách đánh giá sản phẩm dựa trên vẽ hành trình khách hàng và khớp dữ liệu vào, các nhà đầu tư có thể xác định sự phù hợp của sản phẩm. Nếu như một số chỉ số thể hiện chưa tốt, điều đó đồng nghĩa công ty cần phải có sự điều chỉnh.

Khủng hoảng quản trị và muôn nỗi lo sau gọi vốn  - Ảnh 2.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc ESP Capital (thứ hai từ bên trái) cùng các diễn giả chia sẻ tại sự kiện Gọi vốn 101 - Những sự thật ngầm hiểu giữa nhà đầu tư và startup. Ảnh: Tuệ An.

Vận hành

Sau khi sản phẩm được nhiều người biết đến và sử dụng, số lượng đơn hàng của công ty sẽ tăng . Đây là thời điểm nhiều nhà sáng lập gặp khó về vấn đề vận hành. Câu chuyện thực tế hoàn toàn khác với lý thuyết: đơn hàng càng tăng, chi phí trên mỗi đơn hàng càng giảm.

Lấy ví dụ đơn giản, khi một công ty khi có 30-40 đơn hàng/ngày thì việc thực hiện happy call (cuộc gọi phản hồi với khách hàng) để cải thiện sản phẩm diễn ra đơn giản. Tuy nhiên, khi số lượng đơn hàng tăng lên 500.000 đơn hàng/ngày, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí để thuê người.

Khi đối mặt với tình trạng đơn hàng tăng dồn dập, nhiều công ty phải thuê thêm nhiều lao động dẫn đến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng theo. Đứng trước sự tăng trưởng, nhà đầu tư sẽ tư vấn doanh nghiệp cách thức tối ưu vận hành và đơn giản hoá quá trình.

Quản trị

Nếu vượt qua cơn bão ban đầu, startup sẽ đứng trước cơ hội mở rộng, đồng thời đối mặt với câu chuyện quản trị.

Rất nhiều startup khi có quân số tăng lên 100 người sẽ gặp phải tình trạng nhân viên bắt đầu không đi làm. CEO càng siết chặt quy định, tình trạng càng bất ổn khi nhiều nhân sự tốt ban đầu bỏ đi vì văn hoá doanh nghiệp thay đổi.

Nữ giám đốc ESP Capital chia sẻ: "Bài học chúng tôi nhận ra là mỗi startup sẽ trải qua ít nhất 2-3 lần khủng hoảng. Đó là khủng hoảng về mặt văn hoá, quản trị".

Bà nói thêm, có rất nhiều kiến thức quản trị nhưng việc áp dụng trong từng giai đoạn khác nhau là điều mà nhiều nhà sáng lập chưa có kinh nghiệm, khó có thể làm đúng. Khi startup tăng trưởng đến giai đoạn có đội ngũ nhân sự từ 100-200 người, nhà đầu tư sẽ đồng hành cùng CEO để tư vấn mô hình quản trị và xây dựng văn hoá doanh nghiệp. 

Startup nên săn tiền hay săn shark khi gọi vốn?Startup nên săn tiền hay săn shark khi gọi vốn? Khảo sát 485 doanh nghiệp niêm yết: Không DN nào đạt 80/104 điểm quản trị công tyKhảo sát 485 doanh nghiệp niêm yết: Không DN nào đạt 80/104 điểm quản trị công ty Bốn kiểu công ty gia đình ở châu Á và cách quản trịBốn kiểu công ty gia đình ở châu Á và cách quản trị

Tuệ An