Khu đô thị Đại Thanh có 4 vi phạm về xây dựng
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phản hồi ý kiến cử tri về những sai phạm ở khu đô thị Đại Thanh rằng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố, xử lý.
Cụ thể, khu đô thị Đại Thanh có 4 vi phạm gồm xây dựng không phép, xây quá chiều cao quy định, xây cả vào khu không được phép như các vị trí quy hoạch dải cây xanh và các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy không đủ, người dân chưa được cấp sổ đỏ.
Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tình trạng xây dựng không phép, sai phép thời gian gần đây xảy ra ở hầu hết các quận, huyện. Tính riêng 9 tháng đầu năm, thành phố có tới 596 công trình sai phạm, chủ yếu ở các quận, huyện: Đông Anh, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thanh Xuân.
Việc xử lý bị chậm trễ hoặc không dứt điểm dẫn đến tồn đọng nhiều. Năm 2015, còn tồn 168 công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên đất nông nghiệp chưa xử lý, 9 tháng năm 2016 lại có thêm 277 công trình sai phạm.
Điển hình như sai phạm của Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên khi xây nhà ở 5 tầng trong khi quy hoạch là 3 tầng; xây công trình trên đất cây xanh tại Khu đô thị Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai); xây 35 tầng trong khi quy hoạch là 25 tầng tại tòa chung cư VP6, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai); biến khu đất công thành 4 cụm công trình, với 12 tòa nhà cao khoảng 40 tầng ở Khu đô thị Linh Đàm...
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân nhận định, nguyên nhân của tình trạng vi phạm TTXD chủ yếu do chủ đầu tư vì lợi nhuận nên không chấp hành quy định xây dựng cũng như quyết định khắc phục sai phạm của cơ quan chức năng; Chính quyền địa phương không giám sát chặt chẽ dẫn đến vi phạm tái diễn; Các công trình xây dựng thường vi phạm về chiều cao nên đòi hỏi phải có thời gian, phương tiện kỹ thuật khi xử lý…
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, vẫn có tình trạng thanh tra xây dựng "lờ" đi khi nói tới tình trạng vi phạm TTXD, phát hiện ra vi phạm nhưng chậm hoặc không báo cáo, không kiên quyết xử lý ngay.
Ông Dục cho biết, các cơ quan chức năng đã tham mưu tới UBND thành phố ban hành quyết định triển khai điều hành toàn diện đội ngũ thanh tra xây dựng, bàn giao hơn 1.500 thanh tra về các quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, thanh tra xây dựng ở địa bàn phát sinh công trình vi phạm có thể bị xử lý.
Phó Chánh Thanh tra (Bộ Xây dựng) Dương Thành Phố thông tin thêm, địa phương muốn có lực lượng thanh tra cấp quận, huyện để khắc phục xây không phép, sai phép, lấn chiếm đất công... nhưng lại không phù hợp với quy định hiện hành. Ngay cả đề nghị cắt điện, cắt nước khi xử lý vi phạm xây dựng cũng không được luật cho phép.
Ông Phố phân tích, việc đặt TTXD ở phòng đô thị các quận, huyện giúp quản lý tốt hơn vì sai phạm xảy ra hằng ngày trên địa bàn xã, phường, nhưng bất cập ở chỗ phòng quản lý đô thị mô hình “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Sau khi thí điểm đặt TTXD ở quận, huyện có nhiều ý kiến không đồng tình. TTXD thuộc Thanh tra Sở mới đúng quy định vì thanh tra chuyên ngành có 2 cấp ngành dọc là Bộ và Sở, không thể có ba cấp được.