|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Xây dựng không phép, xử lý ra sao?

07:39 | 11/05/2018
Chia sẻ
Theo quy định, những công trình xây dựng trái phép sẽ có 60 ngày làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng trước khi bị cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình.
xay dung khong phep xu ly ra sao Hàng chục căn biệt thự tại dự án Khai Sơn Hill xây dựng không phép vẫn chưa được cấp phép bổ sung
xay dung khong phep xu ly ra sao 26 biệt thự Khai Sơn Hill xây dựng không phép
xay dung khong phep xu ly ra sao Đà Nẵng: Khu nghỉ dưỡng lấn biển trái phép, xây hàng chục biệt thự không phép
xay dung khong phep xu ly ra sao
Tình trạng xây dựng trái phép hiện đang diễn ra ở nhiều nơi, với mức độ càng nghiêm trọng. Ảnh: Trần Phong

Mới đây, một loạt các công trình lớn bị phát hiện xây dựng không phép đã gây bức xúc trong dư luận. Chẳng hạn như dự án của vị cán bộ công an huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù chỉ được cho thuê 523m2 để kinh doanh thu mua nông sản và buôn bán vật tư nông nghiệp, vị cán bộ này đã cho xây nhà cửa, hồ bơi, sân vườn, hòn non bộ… trông giống như một “biệt phủ” với diện tích lên đến 5.000m2.

Một công trình khác tại huyện Ba Vì cũng đã bị phát hiện xây dựng trái phép trên diện tích đất rộng đến 9.000m2. Công trình này được cho là xây dựng “điện thờ công chúa”, được xây dựng trên đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm do UBND huyện Ba Vì quản lý.

Trước đó, là một công trình “khủng” khác mọc không phép ngay trong vùng lõi di sản quần thể danh thắng Tràng An. Công trình được khai thác rầm rộ trước sự ngỡ ngàng của người dân, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình.

Theo thống kê năm 2017, tính riêng tại Hà Nội, lực lượng thanh tra xây dựng đã kiểm tra 17.422 công trình, phát hiện 1.916 công trình vi phạm. Trong đó có 765 công trình không phép, 748 công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Vậy, quy định về xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng trái phép này như thế nào?

Trao đổi với CafeLand, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tình trạng xây dựng trái phép hiện đang diễn ra ở nhiều nơi, với mức độ càng nghiêm trọng.

Trước đây, xây dựng trái phép chỉ diễn ra phổ biến ở thành thị, chủ yếu là do người dân cơi nới nhà cửa để mở rộng không gian sinh hoạt. Nay tình trạng này lại chuyển dịch sang đối tượng là các doanh nghiệp (xây dựng nhà công trình sản xuất kinh doanh), chủ đầu tư các dự án, giới đầu nậu gom đất phân lô.

Trong khi đó ở khu vực nông thôn và cả khu vực miền núi, số vụ vi phạm đang có chiều hướng gia tăng do bộ máy chính quyền về quản lý xây dựng ở xã, huyện khu vực này yếu về chuyên môn, thiếu về lực lượng, và nếu có phát hiện cũng khó xử lý do nể nang vì có mối quan hệ với nhau.

Thực tế cho thấy, giới đầu nậu phân lô thường hay ra các vùng đô thị hóa, vùng quy hoạch đặc khu để tận dụng sự lơi lỏng trong quản lý của những khu vực này. Việc liên tục phát hiện nhiều công trình bề thế tại các khu vực nông thôn và miền núi trong thời gian gần đây đã nói lên điều ấy, theo luật sư Phượng.

Bị phạt tiền

Về việc xử phạt khi xây dựng trái phép, luật sư Phượng cho biết, tùy theo đối tượng và hành vi vi phạm, các chế tài tương ứng sẽ được áp dụng theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017. Việc xử lý là phạt tiền, kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả, hình thức xử phạt bổ sung đối với chủ đầu tư, cá nhân sở hữu, đơn vị thi công.

Với trường hợp cấp phép sửa chữa cải tạo, tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng. Nếu thi công sai giấy phép được cấp mới sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu, 20 – 30 triệu và 30 – 50 triệu đồng đối với các công trình tương ứng.

Với hành vi không có giấy phép xây dựng, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; phạt tiền từ 30 – 50 triệu đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; công trình sai cốt xây dựng; công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống; cơi nới, lấn chiếm diện tích, không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Luật cũng quy định rất rõ ràng về xử phạt các hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. Bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, di tích; phạt 35 – 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ; phạt từ 300 – 350 triệu đồng đối với công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng,… Với hành vi tái phạm, tổ chức thi công, chủ công trình sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu, 70 – 80 triệu, từ 950 triệu – 1 tỷ đồng đối với những công trình tương ứng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng đến 12 tháng đối với các hành vi tiếp tục vi phạm và tái phạm.

Và khắc phục hậu quả

Luật sư Phượng cho biết, khi xảy ra sai phạm, bên vi phạm buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bổ sung phương tiện che chắn, khôi phục lại tình trạng ban đầu và có thể bị tháo dỡ công trình.

Đối với các công trình đang thi công bị phát hiện sai phạm sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 60 ngày, bên vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng.

Hết thời hạn trên, nếu không đưa ra được giấy phép sẽ buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Nếu đã được điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng thì phải tháo dỡ phần công trình đã xây không phù hợp mới được tiếp tục xây dựng.

Theo luật sư Phượng, để hạn chế công trình xây dựng trái phép, không còn xảy ra cảnh cưỡng chế, tháo dỡ gây lãng phí, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó áp dụng các chế tài từ việc xử phạt, buộc tháo dỡ, buộc khôi phục tình trạng ban đầu cho đến việc thu hồi đất nếu sử dụng đất sai mục đích quy định.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Châu An

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.