|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không quá phụ thuộc vào TPP

07:17 | 29/11/2016
Chia sẻ
Một số ý kiến lo ngại doanh nghiệp (DN) sẽ gặp bất lợi khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được Mỹ thông qua. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, DN Việt Nam vẫn có thể tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.

Dệt may vào Mỹ vẫn dẫn đầu

Năm qua, dự kiến dệt may xuất sang Mỹ sẽ đạt hơn 11 tỷ USD. Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, TPP có được thông qua hay không thì Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của dệt may Việt Nam.

Mấy năm gần đây, xuất khẩu dệt may có dấu hiệu giảm tốc. Năm 2016 dự kiến sẽ không đạt chỉ tiêu xuất khẩu đề ra đầu năm. Do đó, nhiều người kì vọng TPP sẽ giúp dệt may Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng và bi quan khi TPP không được thông qua.

Ông Trương Văn Cẩm phân tích: Xuất khẩu dệt may giảm tốc là do kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu tiêu dùng giảm đi; đồng thời các nước quan tâm đầu tư nhiều hơn cho ngành dệt may khiến hàng Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt. Quan điểm của Hiệp hội Dệt may là TPP không được thông qua thì DN dệt may cũng không bất lợi lắm. “Nếu TPP có được thông qua thì Việt Nam cũng chưa chắc được hưởng lợi ngay do điều kiện rất ngặt nghèo. Chúng ta phải có thời gian chuẩn bị các điều kiện như nội địa hóa xơ sợi, công nghiệp phụ trợ”, ông Cẩm cho biết.

khong qua phu thuoc vao tpp
Chế biến tôm xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty CP chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Cà Mau. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Thời gian qua, đã có nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có ngành dệt may để tận dụng cơ hội từ TPP. Nếu TPP bị bãi bỏ, có thể các DN sẽ thu hẹp sản xuất, giảm đầu tư. Liên quan đến vấn đề này, ông Cẩm cho biết xu hướng vốn nước ngoài đổ vào ngành dệt may không phải chỉ vì TPP. Các DN nước ngoài phân tích rất nhiều khía cạnh và TPP chỉ là cái cớ. Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư nhờ nền kinh tế hướng mở, tăng trưởng xuất khẩu, có nhiều FTA với thuế suất 0% từ WTO, FTA với EU, Nhật, Hàn...

Mặt khác, Việt Nam lại chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, thiếu xơ sợi, dệt nhuộm. Đây là lý do chính khiến nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào Việt Nam để tận dụng chi phí giá rẻ, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam hướng đến xuất khẩu. Ông Cẩm cho biết thêm, Việt Nam đang khai thác tốt cơ hội từ WTO nên dệt may vào Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng dù TPP có được Mỹ thông qua hay không.

Thêm thời gian để chuẩn bị

Theo các chuyên gia, dù TPP có được thông qua hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục quá trình cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, cũng như tiếp tục đàm phán, thực thi các hiệp định khác. Chẳng hạn như Hiệp định giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2017. Các DN châu Âu hiện đang khá kỳ vọng vào hiệp định này. Với EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU được kỳ vọng sẽ tăng 50% trong vài năm đầu hiệp định có hiệu lực và xuất khẩu của EU sang Việt Nam cũng sẽ tăng với tốc độ tương tự. Ngày càng nhiều DN châu Âu đến đầu tư tại Việt Nam cũng như chuyển giao công nghệ.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đến nay Việt Nam có 10 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực và đang đàm phán các FTA khác nữa. TPP chiếm đến 40% kinh tế toàn cầu, khi có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam. Tuy nhiên, TPP mang tính dài hạn. Nếu hiệp định này chưa được phê chuẩn cũng sẽ không làm thay đổi chính sách hội nhập kinh tế của Việt Nam.

“Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, khuyến khích đầu tư tư nhân, quản lý chặt nợ công… Do đó, Việt Nam sẽ phát triển bền vững dù TPP có được thông qua hay không”, ông Hải nói.

Ở một góc nhìn khác, theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP là cơ hội để Việt Nam xem lại các FTA trước đây đã ký. TPP không hẳn chỉ mang lại những điều tốt cho Việt Nam bởi nó còn rất nhiều rủi ro nếu như không có sự chuẩn bị kĩ càng. Đã có nhiều FTA đàm phán xong nhưng DN Việt Nam lại chưa hiểu hoặc chưa chuẩn bị gì. Do đó, đây là cơ hội để DN Việt chuẩn bị kĩ càng hơn trước khi hội nhập sâu rộng.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn, mặt tiêu cực khi mở cửa thị trường mà không chuẩn bị tốt là hàng hóa nước ngoài sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam tại thị trường nội địa. Hiện nay, cảm nhận chung là các DN Việt Nam chưa chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng lợi ích khi TPP được phê chuẩn, nên việc dừng TPP cũng không khác nhiều so với việc TPP được thông qua.

H. Dương